Các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Vì thế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích luôn được các cấp chính quyền Hà Nội lưu tâm.
Địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di tích
Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn, toàn thành phố Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp Thành phố. Phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, các di tích trên địa bàn Thành phố là niềm tự hào của Thủ đô văn hiến; đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị.
Trong những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố luôn được cấp ủy, chính quyền từ Thành phố tới cơ sở quan tâm, đầu tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các di tích thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý được thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị, trung bình mỗi năm (từ năm 2015 đến nay), Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, thu về hàng chục tỷ đồng.
Trong khi đó, tại các quận, huyện, thị xã, việc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được quan tâm, chú trọng, nhờ đó, đã triển khai kịp thời và tương đối đồng bộ các biện pháp quản lý di tích tại cơ sở. Nhiều quận, huyện chủ động lập và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn cũng như phối hợp mở lớp tập huấn nâng cao công tác quản lý, bảo vệ di tích.
Bên cạnh những kết quả, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, không ít các cấp, ngành và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa; về vị trí của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương trên địa bàn thành phố chưa thường xuyên, kịp thời, đã dẫn tới tình trạng vi phạm, xâm hại di tích ở một số nơi chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời…
Cần chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di sản văn hóa
Theo các chuyên gia, các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Vì thế, Hà Nội cần triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di sản văn hóa; tăng cường đầu tư nguồn vốn và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa để bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình trùng tu, tôn tạo; gắn kết hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đô thị với hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô…
PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua, Thủ đô đã thực hiện việc bảo tồn cho gần 1.500 di tích. Trường hợp vi phạm di tích như chùa Hương, chùa Trăm Gian, chùa Khúc Thủy, đình Lương Xá… chỉ là một trong những điểm nhỏ trong tổng thể các di sản của Thủ đô, điều đó chưa thể làm mất đi giá trị của di sản Thủ đô.
Có thể nói, di sản không phải "nhất thành bất biến" mà có những bổ sung nhất định qua từng thời kỳ. Nhưng cái nào có thể thay thế được là không hề đơn giản phải thận trọng. Mỗi khi tu bổ, chính quyền địa phương cần sự tham gia ý kiến của người dân sở tại, đặc biệt là tham khảo ý kiến các chuyên gia để có giải pháp khi tu bổ di tích, di sản bảo đảm các điều kiện cần thiết để còn nguyên gốc.
Ngoài ra, quá trình tu bổ di tích, di sản phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát và cộng đồng cư dân nơi có di tích cũng như chính quyền địa phương.
Mới đây, tại cuộc họp về công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích đặc biệt đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngành văn hóa Thủ đô phải xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ; thành lập Ban Chỉ đạo công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn TP. Hà Nội; hoàn thành công tác kiểm kê và đẩy nhanh số hóa di tích;
Đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, có chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở…
Thành Nam
Theo chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-cua-thu-do-103220616160833938.htm
Bình luận