Nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết 09 là phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ. Bởi vậy, cần có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường Quốc hội chiều ngày 10/6. Ảnh: QH.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, chiều ngày 10/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Cần thiết ban hành Nghị quyết
Bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) làm rõ, Khánh Hòa nằm ở trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung bộ, chiếm vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước.
Trong liên kết vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong hội nhập quốc tế thông qua Biển Đông và khu vực ASEAN, Khánh Hòa có nhiều lợi thế vượt trội với các giá trị ngoại hạng cấp quốc gia và toàn cầu của quân cảng và sân bay quốc tế. Với vị thế địa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với kinh tế, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước từ phía biển, tỉnh Khánh Hòa cũng có bờ biển dài, với mật độ đảo đứng thứ ba cả nước, có thềm lục địa và vùng lãnh thổ rộng lớn với nguồn tài nguyên biển đa dạng, giàu có với cảnh quan biển đảo, bờ biển đẹp độc đáo.
Đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh, biển và tiềm năng kinh tế biển là những yếu tố then chốt của Khánh Hòa. Những lợi thế vượt trội của Khánh Hòa đã được nhận diện và nếu được phát huy đúng tầm thì chắc chắn sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là rất cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng và là quá trình thể chế hóa cơ chế chính sách để giúp Khánh Hòa khắc phục, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo cơ chế đột phá nhằm huy động tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế vượt trội giúp Khánh Hòa đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) bày tỏ đồng tình cao với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Khánh Hòa để tỉnh phát triển đúng tiềm năng, lợi thế của mình.
Theo đại biểu, việc thực hiện thí điểm thành công đối với tỉnh Khánh Hòa sẽ là bài học không những đối với 27 tỉnh, thành phố ven biển còn lại trong cả nước, mà cả đối với các địa phương ven biển khác trên thế giới.
Cho rằng tỉnh Khánh Hòa có vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược chính trị, kinh tế tự nhiên về biển và hải đảo đối với nước ta, đại biểu cho rằng quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa phải trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là về phát triển bền vững kinh tế biển, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và khu vực duyên hải Nam Trung bộ, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistic, công nghiệp năng lượng, kinh tế số đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển đột phá vùng ven biển phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi.
Cho ý kiến về chính sách phát triển khu kinh tế Vân Phong, nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong việc phát triển kinh tế xã hội, đại biểu cho rằng nội dung này cần được nghiên cứu, cụ thể hóa đối với danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong và các điều kiện đối với các nhà đầu tư chiến lược để bảo đảm phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường biển.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng chính sách ủy quyền toàn bộ cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Khánh Hòa theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là chưa có tiền lệ, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với năng lực bộ máy và thực tiễn công tác quản lý.
Cần có chính sách khả thi hơn phát triển Khu Kinh tế Vân Phong
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho biết, Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ.
Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền. Vì vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc có cơ chế đặc thù, chính sách vượt trội để Khánh Hòa thu hút được nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ hơn để tương xứng với vị trí đặc biệt của Khánh Hòa, đồng thời cần đảm bảo tính khả thi cao hơn cho các chính sách đã đề ra trong Nghị quyết, thể hiện rõ hơn nữa quan điểm phát triển tỉnh Khánh Hòa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, môi trường, quốc phòng – an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Đại biểu cho rằng, cần có chính sách hấp dẫn, khả thi hơn về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Cụ thể, cần mở rộng điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao tính khả thi trong thu hút nguồn lực, cần có quy định trách nhiệm của các nhà đầu tư chiến lược khi không thực hiện được các cam kết, cần có chính sách ưu đãi khác biệt, phù hợp cho từng lĩnh vực đầu tư để tạo đột phá cho việc phát triển Khu Kinh tế Vân Phong.
Về việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái biển, đại biểu đề nghị cần có đánh giá kỹ lưỡng về tác động tới môi trường khi nuôi trồng thủy sản ven biển; đề nghị Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cần quy định cụ thể hơn, yêu cầu khắt khe hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Còn theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép Khánh Hòa thực hiện một số cơ chế đặc thù là đúng và cần thiết. Về việc các chính sách áp dụng cho Khách Hòa trong các cơ chế, chính sách đặc thù mà dự thảo Nghị quyết áp dụng, Khánh Hòa có nhiều cơ chế, chính sách tương đồng đã được quy định áp dụng cho các tỉnh, thành phố trong nước như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế... Bởi vậy, Quốc hội cũng cần xem xét áp dụng cho Khánh Hòa.
Đại biểu cũng cho rằng, còn bốn chính sách chưa có cơ chế tương đồng gắn với đặc thù riêng của Khánh Hòa. Đó là cơ chế chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất đai tại khu vực kinh tế Vân Phong; cơ chế chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong và cơ chế, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý.
Đối với cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vân Phong, theo đại biểu Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết 09 là phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ.
“Thực tiễn cho thấy, Khu kinh tế Vân Phong, trong đó có Bắc Vân Phong đã từng là khu vực dự kiến hình thành khu hành chính kinh tế đặc biệt. Khu kinh tế Vân Phong kể từ khi thành lập theo Quyết định 92 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, trong khi đó khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn đều có cơ chế chính sách đặc thù. Bởi vậy, cần có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển”, đại biểu đề xuất./.
Bích Liên
Theo dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/tin-tuc/can-co-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-khu-kinh-te-van-phong-611902.html
Bình luận