Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhiều xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Phú Thọ đã phấn đấu về đích nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn miền núi đã thay da, đổi thịt, khoác lên mình tấm áo mới, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên đáng kể
“Lột xác" từ nông thôn mới
Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, kinh tế - xã hội phát triển không đồng đều, trên địa bàn còn nhiều xã, thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn nên khi bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Sơn đã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt điểm xuất phát về mức độ đạt các tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn rất thấp (năm 2010, hầu hết các xã chỉ đạt từ 1 đến 2/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh).
Trong khi đó, một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thói quen trông chờ, ỷ lại, chưa xác định rõ vai trò trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, coi đây là chương trình của nhà nước đầu tư... Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính, UBND huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo UBND các xã rà soát thực trạng và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như về nguồn lực đất đai.
Phụ nữ người Mường ở Bản Chuôi, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bên khung dệt. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN.
Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích nhân dân dồn đổi ruộng đất, tạo vùng sản xuất tập trung, xây dựng cánh đồng một giống, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hình thành các trang trại, gia trại có quy mô lớn hát huy thế mạnh, lợi thế về kinh tế đồi rừng, chăn nuôi trâu, bò,….
Từ những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, đến hết năm 2021, huyện Thanh Sơn đã có 4/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Cự Thắng là một trong các xã ATK của huyện miền núi Thanh Sơn đang dần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Đại Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Cự Thắng cho biết, xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Đảng ủy và chính quyền xã đã tập trung thực hiện tuyên truyền về mục tiêu, nội dung, ý nghĩa của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó đã nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong xã về xây dựng nông thôn mới.
Đi đôi với tuyên truyền, xã đã khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi khép kín, mở rộng ngành nghề, dịch vụ kinh doanh… giúp người dân nâng cao thu nhập, đẩy mạnh ứng dụng tiến độ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và cơ giới hóa các khâu sản xuất; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và giảm chi phí đầu tư; thông qua các chương trình, dự án, nhiều hộ gia đình khó khăn được hỗ trợ cây, con giống, thiết bị sản xuất và trang bị những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, xã hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân đi xuất khẩu lao động hay vào làm công nhân tại các công ty, các khu công nghiệp.
Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã luôn duy trì ổn định, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3,85 %; độ che phủ rừng toàn xã đạt 60%, thu nhập từ cây lâm nghiệp hàng năm đạt 7,5 đến 8 tỷ đồng. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xã, khu dân cư, gia đình nông thôn mới” gắn với xây dựng nông thôn mới được nhân dân tích cực hưởng ứng...
Ông Nguyễn Nam Cường, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Phú Thọ cho biết, khi mới triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã đều gặp nhiều khó khăn, các tiêu chí đạt thấp, nhưng sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là các xã miền núi, phát huy vai trò chủ thể của người dân, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, nhiều tấm gương điển hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân,…
Tiếp tục thực hiện các giải pháp
Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới là tiền đề quan trọng để tỉnh Phú Thọ hướng tới mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có thêm huyện Thanh Ba, Phù Ninh và huyên Tam Nông đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 15 tiêu chí; có 1.715/2.040 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới.
Bước sang một giai đoạn mới, các kế hoạch xây dựng nông thôn mới cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Để thực hiện các mục tiêu theo đúng kế hoạch, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản. Trong số đó, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc sản thế mạnh của tỉnh theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của Chương trình nông thôn mới thời gian tới.
Hồ Phượng Mao, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy có dung tích hồ chứa 11,6 triệu m3. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy, năm 2020, Thanh Thủy vinh dự được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, huyện tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ của từng tiêu chí ở các xã đạt chuẩn, từng bước xây dựng kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vào những năm sau, cân đối nguồn ngân sách hằng năm, hỗ trợ duy trì và nâng cao các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới...
Đặc biệt, với lợi thế là huyện có tiềm năng về du lịch, huyện tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng về tiềm năng, thế mạnh của huyện gắn với nâng cao trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành và từng người dân về phát triển du lịch, từ đó thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, tạo sức bật cho các xã nông thôn mới trong huyện phát triển…
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, việc xây dựng nông thôn mới đang chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Do vậy, việc hoàn thiện các tiêu chí mới và giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong quá trình xây dựng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai thống kê, rà soát các tiêu chí nông thôn mới đạt và chưa đạt của từng xã để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, thành viên trong Ban Chỉ đạo để hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tại các khu, xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với đó là việc đa dạng hình thức tuyên truyền, tập huấn và đa dạng hóa việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn.
Đồng thời, quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch; chú trọng thi đua khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới…
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ có 122/196 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62,2%; 23 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 25 xã đạt dưới 15 tiêu chí; trong đó, có 3 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15,9 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 1.417 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới …
Tạ Văn Toàn/TTXVN
Theo langngheviet.com.vn
Bình luận