Chỉ ít ngày thoát cảnh “bì bõm”, người Hà Nội lại tiếp tục chứng kiến cảnh “phố thành sông” khi những cơn mưa lớn đổ xuống thành phố trong những ngày gần đây.
Mưa lớn gây ngập ở Hà Nội chiều 29/5. (Ảnh minh họa: Duy Linh)
Nhiều khu vực trước đây ít bị ngập, nay cũng rơi vào cảnh lụt lội. Những cụm từ trào phúng như: “Cảng nước sâu Mỹ Đình”, “vịnh Triều Khúc”, “bến Tràng Tiền”… xuất hiện trên các trang mạng xã hội.
Mỗi khi nói đến vấn đề chống ngập úng, người ta thường đề cập đến công tác quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước. Thực tế, việc triển khai Quy hoạch thoát nước tại Hà Nội bị chậm nhiều năm. Song, vấn đề thoát nước cần đặt trong bức tranh quy hoạch và xây dựng lớn hơn. Hà Nội đã và đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều khu đất nông nghiệp biến thành khu đô thị, hay nhà ở.
Các khu đất nông nghiệp vốn có khả năng tiêu, thoát nước tự nhiên. Các khu nhà được xây dựng đồng nghĩa gia tăng bề mặt bê-tông, tước đi khả năng thoát nước tự nhiên của khu đất. Mặt khác, dù có quy định về cốt nền, nhưng các khu nhà ở mới thường được xây dựng cao hơn khu cũ. Điều này vừa gây ra cản trở dòng chảy, ảnh hưởng quy hoạch thoát nước, vừa khiến các khu dân cư cũ có nguy cơ trở thành “rốn nước”.
Trong lĩnh vực xây dựng, nếu như các nước phát triển từ lâu đã triển khai các loại vật liệu, kỹ thuật xây dựng để vỉa hè, lòng đường có khả năng thấm nước thì Việt Nam lại đi theo chiều ngược lại. Ở Việt Nam, từng có thời gian loại gạch tự chèn được sử dụng phổ biến để lát vỉa hè, đường dạo, sân chơi...
Loại gạch này không cần gắn kết bằng xi-măng. Nước mưa sẽ thoát xuống đất thông qua các khe hở. Một loại gạch khác rất hiệu quả cho thoát nước là gạch có lỗ, cây cỏ có thể phát triển ở chính những lỗ nhỏ này. Thế giới có nhiều giải pháp để làm đường, vỉa hè, đường dạo... thấm nước, nhưng đây là những giải pháp rẻ tiền phù hợp với Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tại, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác triển khai làm vỉa hè, các đường dạo, sân chơi… bằng cách đổ một lớp bê-tông trước khi lát gạch hoặc đá tự nhiên lên. Giải pháp này triệt tiêu khả năng thoát nước của các công trình. Tất cả nước mưa bị dồn xuống cống. Hệ thống này quá tải gây ngập lụt khi mưa lớn là dễ hiểu.
Do đó, song song với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hạ tầng thoát nước, cần rà soát lại các quy hoạch, nhất là quy hoạch các khu đô thị lớn, quy hoạch xây dựng các khu chung cư cao tầng với mật độ dày đặc để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thoát nước; ngăn chặn tình trạng các quy hoạch ngành vênh quy hoạch thoát nước. Đối với các khu nhà ở, khu đô thị mới, cần “siết” yêu cầu về diện tích cây xanh, mặt nước kiểm soát chặt mật độ xây dựng.
Những khu dân cư có diện tích lớn cần đưa yêu cầu bắt buộc phải có hồ điều hòa, vừa tạo cảnh quan, vừa giúp cân bằng tiêu thoát nước trong khu vực. Công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy phải được làm thường xuyên.
Hiện một số khu đô thị mới đã đi theo hướng này. Các quy định về cốt nền cũng cần được bảo đảm trong xây dựng mới, để không còn tình trạng chỗ xây thấp, chỗ xây cao một cách tùy tiện. Việc xây dựng ý thức của người dân cũng quan trọng không kém. Khi người dân giảm xả rác bừa bãi, dòng chảy cũng đỡ bị cản trở hơn khi mưa lớn.
Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa bão bất thường xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Việc giải quyết vấn đề thoát nước thông qua cách tiếp cận đa chiều, trong tầm nhìn dài hạn là yêu cầu bắt buộc với Hà Nội và nhiều đô thị khác.
Nếu chỉ thuần túy quan niệm, trông chờ vào xây dựng hệ thống thoát nước thì rất khó có thể giải quyết tình trạng này, nếu không muốn nói, tình trạng “phố thành sông”, sẽ còn xảy ra với tần suất dày đặc hơn trong tương lai.
GIANG NAM
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/tiep-can-da-chieu-trong-chong-ung-ngap-do-thi-701317/
Bình luận