Tuổi vàng và tên vàng
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Tuổi vàng và tên vàng
Tin Quốc Tế

Tuổi vàng và tên vàng

Ta đã biết, tuổi vàng là cách gọi phổ thông, là đơn vị đo độ tinh khiết của vàng. Với quy ước vàng 10 tuổi là vàng tinh khiết 99,99%. Giá trị vàng phụ thuộc vào tuổi và do đó giá trị giao dịch trên thị trường cũng phụ thuộc vào tuổi của nó.

Đó là quy luật chung trên thị trường cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trên thị trường vàng Việt Nam lại có sự khác biệt, giá trị của vàng còn phụ thuộc vào tên của nó. Cái tên SJC là “ngôi sao” đang thống lĩnh về giá cả trên thị trường. Cùng là vàng 4 số chín nhưng vàng SJC luôn có giá bán cao hơn các loại vàng “vô danh tiểu tốt” khác hàng chục triệu đồng/lượng. Ví dụ vào thời điểm giá vàng tăng cao, cùng là vàng 99,99 mang thương hiệu SJC có giá 69,3 triệu đồng/lượng, trong khi đó mua 1 lượng vàng nhẫn chỉ phải trả 56,75 triệu đồng/lượng. Ngày 13/6 tại thị trường TP Hồ Chí Minh giá vàng SJC là 69 triệu đồng/lượng, trong khi vàng PNJ chỉ là 54 triệu đồng/lượng (bán ra). Vậy điều gì làm nên tên tuổi “ông” vàng SJC?

Tuổi vàng và tên vàngVàng miếng SJC
Vào giai đoạn năm 2011-2012, kinh tế vĩ mô Việt Nam chao đảo, lạm phát tăng cao vì nhiều lí do như chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả... Trong bối cảnh ấy, người dân đổ xô đi mua vàng để giữ tài sản, tình trạng các cơn sốt giá vàng thường xuyên xảy ra, thị trường vàng có nhiều bất ổn, nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài để nhập khẩu vàng. Khi đó vàng thế giới trên dưới 1.600USD/ounce và giá vàng trong nước lúc đó khoảng 30-35 triệu đồng/lượng. Bởi vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhằm mục tiêu là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước. Có thể thấy, Nghị định 24 đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong bối cảnh đó.

Những năm gần đây, kinh tế vĩ mô Việt Nam đã được duy trì ổn định, bền vững, đà tăng trưởng đạt khá, lạm phát được kiềm chế luôn dưới 4%, các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành phù hợp… đã tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong nước, được nhiều tổ chức tài chính, kinh tế thế giới đánh giá cao. Những lí do khi ban hành Nghị định 24 nay đã không còn, tuy nhiên, việc duy trì Nghị định đã tao ra sự méo mó trên thị trường vàng, đó là chênh lệch giữa “ông vàng độc quyền” với các loại vàng khác. Hiện nay, giá vàng thế giới khoảng trên 1.800USD/ounce (cao hơn 200USD/ounce so với 10 năm trước nhưng giá vàng trong nước đã tăng gấp đôi khi đó, tới gần 70 triệu đồng/lượng).

Nhiều chuyên gia cho rằng, theo quy định hiện hành như Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh Quản lí ngoại hối… thì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lí nhà nước, không phải là doanh nghiệp nên việc giao sản xuất vàng miếng tại Nghị định 24 là không còn phù hợp vì vàng miếng cũng là hàng hóa. Trước những bất cập, bất ổn thị trường vàng, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến băn khoăn về vấn đề này.

Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP hoặc ban hành một nghị định mới thay thế để cho giá trị của vàng được đo bằng tuổi chứ không vì một cái tên.

Đinh Hoàng

Theo ngaymoionline.com.vn

https://ngaymoionline.com.vn/tuoi-vang-va-ten-vang-34972.html

 

 

Bình luận