LNV - Tối ngày 18/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàn Kiếm phát biểu tại Lễ khai mạc.
Đây cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 18 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2023) và 20 năm Khu Phố cổ Hà Nội được công nhận di tích lịch sử quốc gia (9/12/2003-9/12/2023) và hưởng ứng các sự kiện trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023.
Lễ Khai mạc chuỗi các hoạt động văn hóa nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi. Người dân và du khách cũng đã được thưởng thức màn trình diễn trống hội cùng trích đoạn tác phẩm “Cõi thinh không” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện; có cơ hội tham quan không gian trưng bày và giao lưu cùng nghệ sĩ tuồng Nguyễn Kim Kê và họa sĩ Nguyễn Cao Thắng để tìm hiểu về mặt nạ tuồng truyền thống. Trong thời gian diễn ra chuỗi các hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội còn diễn ra Tọa đàm về ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại; biểu diễn âm nhạc truyền thống “Xưa - Mới hôm nay” của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc.
Theo đó, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, sẽ diễn ra trưng bày giới thiệu về nghệ thuật tuồng trong di sản văn hóa truyền thống Việt; tọa đàm về ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại (9 giờ ngày 25/11); biểu diễn âm nhạc truyền thống “Xưa - Mới hôm nay” của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc (20 giờ ngày 25/11).Tại Ngôi nhà Di sản, 87 Mã Mây, ngày 18 - 19/11 sẽ là không gian giới thiệu trà Việt, chủ đề “Ấm chén trà cụ trong không gian thưởng trà của người Hà Nội”. Tại đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc, vào lúc 15 giờ ngày 18/11 diễn ra trưng bày giới thiệu tranh dân gian Kim Hoàng và nghệ thuật thư pháp, chủ đề “Mảng chạm”. Cũng vào 15h ngày 18/11, tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ, 28 Hàng Buồm, là không gian giao lưu văn hóa giữa các địa phương: Giới thiệu nghệ thuật gốm Bát Tràng - Hà Nội và gốm Đông Hòa - Phú Yên. Đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào trở thành không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm sơn mài Hanoia.
Biểu diễn Tuồng tại Lễ khai mạc.
Phát biểu Khai mạc, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàn Kiếm cho biết: “Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô Hà Nội, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Di sản quận Hoàn Kiếm đa dạng với khu vực hồ Hoàn Kiếm được công nhận là di sản cấp quốc gia đặc biệt, khu Phố cổ Hà Nội là di sản cấp quốc gia. Trên địa bàn quận có 51 di tích lịch sử văn hóa, di tích cánh mạng khác đã được xếp hạng với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng. Bên cạnh giá trị vật thể, các giá trị di sản phi vật thể hết sức phong phú như các nghề truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng dân gian, lễ hội truyền thống”. Đồng thời, ông Hoàn cũng chia sẻ: “Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, du lịch của quận.
Nhiều công trình giá trị đã được quận Hoàn Kiếm đầu tư trùng tu, tôn tạo. Các di sản văn hóa đã trở thành các không gian văn hóa, giáo dục di sản, tương tác với cộng đồng. “Các hoạt động này đã giúp truyền tải, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tới cộng đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn di sản; thu hút các tổ chức, cá nhân chung tay với chính quyền trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá”.
Theo Văn Tuân/Langngheviet.com.vn
Bình luận