Sơn La sẽ hoàn chỉnh 05 loại sản phẩm du lịch (du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại). Phát triển 03 trọng điểm về du lịch: Thành phố Sơn La và phụ cận; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gắn với vùng du lịch Mộc Châu và phụ cận; Khu du lịch quốc gia lòng hồ sông Đà.
Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 xác định phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao, hiện đại, bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế, có sản lượng lớn; gắn kết với các ngành khác nhằm tạo lập sự hỗ trợ lẫn nhau về cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, máy móc, vật tư...; gắn với phát triển nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của nông dân, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu tăng trưởng ngành giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 5,5 - 6,5%; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 3,5 - 4,5%.
Phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông sản thế mạnh, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp quốc gia như: Cà phê, chè, mía đường, mắc ca, cây ăn quả, rau, dược liệu; phát triển nhóm sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp phục vụ tại chỗ như: Cây thực phẩm (rau, củ, quả, hoa, nấm...), cây lương thực (lúa gạo, ngô, khoai, sắn...), cây ăn quả khác phục vụ tiêu dùng tại chỗ hoặc làm thức ăn cho chăn nuôi gia cầm, gia súc, đại gia súc, nuôi trồng thủy sản…; phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ; phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Chè là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch của địa phương này.
Tập trung phát triển trồng rừng sản xuất; cải thiện sinh kế cho cộng đồng các dân tộc thiểu số và những đối tượng khác được hưởng lợi thông qua phí dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển 3 loại rừng toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Về công nghiệp, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có lợi thế của từng địa phương, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động, tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp; giảm tỷ trọng thô, tăng tỷ trọng sản xuất chế biến sâu, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sản xuất theo công nghệ tuần hoàn, xanh, sạch, bền vững. Phấn đấu tăng trưởng ngành giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân từ 11%/năm trở lên.
Về du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp 10%-13% GRDP của tỉnh; đón khoảng 12.200 nghìn lượt khách (trong đó khoảng 365 nghìn lượt khách quốc tế và 11.835 nghìn lượt khách nội địa); trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc, cả nước và quốc tế. Hoàn chỉnh 05 loại sản phẩm du lịch (du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại). Tiếp tục kế thừa phát triển 03 trọng điểm về du lịch: Thành phố Sơn La và phụ cận; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gắn với vùng du lịch Mộc Châu và phụ cận; Khu du lịch quốc gia lòng hồ sông Đà. Phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.
Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội Sơn La theo mô hình tổ chức không gian phát triển "bốn vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển". Trong đó, bốn vùng kinh tế gồm: Vùng đô thị và quốc lộ 6 gồm thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh với thành phố Sơn La là cực trung tâm của tỉnh; Vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận bao gồm huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Yên Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh và được xác định là cực đối trọng phát triển với cực trung tâm thành phố Sơn La; Vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà bao gồm các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; các thị trấn Ít Ong, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên và khu du lịch lòng hồ sông Đà được xác định là cực vệ tinh của tỉnh; Vùng cao biên giới bao gồm huyện Sông Mã và Sốp Cộp, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; cực tăng trưởng của vùng là thị trấn Sông Mã, thị trấn Sốp Cộp và cửa khẩu Chiềng Khương là cực vệ tinh.
Trước đó, ngày 25/12, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng/người, đến năm 2030 đạt khoảng 100 -120 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 6.250 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt trên 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 150.000 tỷ đồng; kinh tế số đến năm 2025 đạt khoảng 10-15% GRDP và đến năm 2030 đạt 20-30% GRDP; tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 20,6% và đến năm 2030 đạt khoảng 25,8%.
Theo nguồn BÙI HOÀNG/Thiennhienmoitruong.vn
Bình luận