Bạc Liêu đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Đây cũng là một trong những trụ cột phát triển kinh tế Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030.
Theo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bạc Liêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 - 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế (Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp khoảng 29,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 36,4%; khu vực dịch vụ khoảng 32,0%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm).
Theo Quy hoạch, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng hướng vào phát triển 3 trụ cột chính là công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch. Phát triển nhanh, đồng bộ tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam quốc lộ 1, các hành lang kinh tế, các trục liên kết kinh tế và các đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng quan trọng. Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, viễn thông - công nghệ thông tin; xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Năng lượng tái tạo được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Bạc Liêu. Ảnh: THANH BÌNH
Phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản an toàn quy mô lớn, công nghệ cao, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia; đẩy mạnh nuôi biển, nuôi biển kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và du lịch; sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Với ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm qua các giai đoạn chế biến, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến thủy sản.
Xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức hiệu quả liên kết chuỗi giữa cơ sở chế biến với vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu. Xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ. Phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới (Hydro xanh, Amoniac xanh). Đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao. Xây dựng các khu du lịch trọng điểm ven biển có quy mô ngang tầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đặc biệt là đầu tư phát triển khu vực tiềm năng về du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu và vùng lân cận để đảm bảo đủ điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia; xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tình hình kinh tế-xã hội năm 2022
Năm 2022, tỉnh Bạc Liêu hoàn thành 15/20 chỉ tiêu chủ yếu kinh tế - xã hội. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 9,6% so với cùng kỳ (đứng thứ 04/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh ở cả ba khu vực kinh tế, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 5,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,62% và khu vực dịch vụ tăng 13,48% so cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 41,62%, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,31% và dịch vụ chiếm 34,1% trong GRDP. Tổng sản phẩm GRDP bình quân ước đạt 60,53 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2023, Bạc Liêu đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10% - 10,5%/năm; GRDP bình quân đầu người 68 triệu đồng/người/năm; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3.650 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 01 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu tôm đạt 973,6 triệu USD…/.
Theo nguồn THANH BÌNH/Thiennhienmoitruong.vn
Link nguồn: https://thiennhienmoitruong.vn/bac-lieu-cong-nghiep-va-nang-luong-tai-tao-la-tru-cot-phat-trien-kinh-te.html
Bình luận