Ngày 25-10, Ban Chỉ đạo công tác gia đình TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn TP.HCM (2008-2018).
Một thập niên với nhiều nỗ lực từ chính sách cùng sự tham gia vô cùng thuận lợi của truyền thông thời đại công nghệ số đã cải thiện tình hình bạo lực gia đình. Thế nhưng sự cải thiện đó vẫn chưa đủ công phá thành trì định kiến giới và chưa đủ sức giảm thiểu bạo lực gia đình như mong muốn.
TAND TP và tòa án các quận, huyện đã tổ chức xét xử 2.426 vụ án có liên quan đến bạo lực gia đình, số vụ án tăng dần theo từng năm. Công tác xét xử cho thấy nạn nhân đa phần là nữ, họ chịu đựng đủ các hình thức bạo lực, phần lớn hình thức là bạo lực thân thể.
Ngoài ra, họ còn bị bạo lực tinh thần và tình dục. Nguyên nhân được chỉ ra rằng do các thành viên thiếu kỹ năng xử lý các tranh chấp mâu thuẫn, do tệ nạn xã hội thâm nhập vào các gia đình. Nhưng nguyên nhân lớn nhất là do bất bình đẳng giới mà các gia đình lại chính là thành trì dung dưỡng thói vũ phu, gia trưởng.
Báo cáo của một huyện ngoại thành như Hóc Môn cho thấy phần lớn người dân thuộc thế hệ 7X trở về trước vẫn bám chặt nếp sống gia trưởng cố hữu của người đàn ông, nếp cam chịu hy sinh của người phụ nữ.
Những vấn đề phát sinh trong các gia đình được mặc định luôn là chuyện nội bộ, người ngoài ít khi can thiệp, kể cả những người có chức năng. Khi bạo hành con cái, cha mẹ hay tự biện hộ: thương cho roi cho vọt. Khi người vợ bị bạo hành, nhiều người cho rằng “đàn ông ai chả có lúc như thế”. Tâm lý nhẫn nhịn cho qua, sợ bị chê cười đã khiến các vụ bạo hành chỉ được phát hiện khi đã để lại hậu quả khá nghiêm trọng.
Do vậy, nhiều người cho rằng những số liệu trên các báo cáo chỉ là để… tham khảo bởi phần lớn các vụ bạo hành đã bị lờ đi.
Ban Chỉ đạo công tác gia đình TP.HCM cho biết các nạn nhân thường không sẵn sàng hoặc không thể tham gia tố tụng hình sự. Họ thường rút lại lời khai sau khi cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang VKS. Phản ứng của hệ thống tư pháp, hình sự và hành chính chủ yếu tập trung vào hòa giải. Các xử lý phổ biến của lực lượng công an là hòa giải, tránh bắt và tạm giam, chỉ trừ những trường hợp rất nghiêm trọng xảy ra.
Vì vậy, khi đến lượt VKS thì chỉ có hồ sơ những trường hợp bạo lực gia đình rất nghiêm trọng, VKS cũng miễn cưỡng khởi tố vì cho rằng những vụ việc này phức tạp, khởi tố cũng khó truy tố được. Tòa án có chung quan điểm là những vụ như vậy không thuộc tòa hình sự và tốt nhất là xử lý bằng hòa giải.
Bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM, đã đưa ra một ý kiến xác đáng là cần phải thay đổi từ giáo dục và truyền thông mạnh mẽ hơn nữa dựa trên nhận thức về quyền con người. Trong mỗi gia đình và các trường học cần phải tạo được thái độ phòng, chống, lên án những cách thức giải quyết bất đồng bằng bạo lực. Nếu không, chính chúng ta sẽ là nạn nhân của bạo lực ở một thời điểm nào đó.
Theo PLO
Bình luận