Liên quan đến cuộc biểu tình ở Campuchia ngày 18/8 vừa qua, chính quyền cáo buộc có sự tác động của các nhóm đối lập nước người. Đồng thời, so sánh hành động này mang màu sắc tư tưởng Pol Pot, không khác gì trường hợp ở Bangladesh.
Những ngày qua, “Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam” (Cambodia-Laos-Vietnam Development Triangle Area, viết tắt: CLV DTA) - dự án phát triển kinh tế giữa ba quốc gia nêu trên đang là đề tài thu về nhiều phản ứng trái chiều tại Phnom Penh.
Dự án có phạm vi bao trùm 13 tỉnh thuộc khu vực biên giới ba nước, trong đó có 5 tỉnh thuộc Việt Nam, 4 ở Lào và 4 ở Campuchia. Chính phủ các nước tham gia nhận định, CLV DTA góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tăng tiến bộ văn hóa, xã hội trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.
Trong khi đó, nhóm phe phái đối lập ở Phnom Penh lập luận rằng, chính phủ nước này thông qua CLV DTA nhượng lại chủ quyền quốc gia (ceding national sovereignty). Từ đó, các đối tượng kích động đã thổi bùng làn sóng phản đối, kêu gọi biểu tình, thậm chí đòi lật đổ Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Vào ngày 19/8, Đơn vị báo chí và phản ứng nhanh (Press and Quick Reaction Unit) Campuchia trích dẫn phát biểu của người phát ngôn Chính phủ - ông Pen Bona, kêu gọi người dân cảnh giác trước những tư tưởng cực đoan.
Người phát ngôn của cơ quan Chính phủ Pen Bona (Nguồn: Press and Quick Reaction Unit)
Ông Pen Bona cho biết, nhóm kêu gọi kích động về dự án hợp tác với Lào và Việt Nam là đối lập, cực đoan, đi ngược lại lợi ích quốc gia. Cũng theo tiết lộ của phát ngôn viên cơ quan chính phủ Phnom Penh, những đối tượng truyền cảm hứng cho giới trẻ biểu tình lật đổ chính quyền này có nguồn gốc, là thành viên một số nhóm đối lập ở nước ngoài.
Chính phủ Campuchia cáo buộc, phiến quân hải ngoại cố tình lấy CLV DTA làm cái cớ để nắm bắt tình cảm chủ nghĩa dân tộc của người dân, tiến hành kêu gọi nhiều cuộc biểu tình rầm rộ.
Trên thực tế, những phe nhóm này không ngần ngại khẳng định mục tiêu cuối cùng là lật đổ Chính phủ bằng cách phá hoại kinh tế, khơi dậy sự phẫn nộ giai cấp, lòng căm thù người giàu, quan chức chính phủ, lực lượng vũ trang, không khác gì hệ tư tưởng Pol Pot, cơ quan truyền thông của Chính phủ Campuchia cho biết.
An ninh Campuchia đang được thắt chặt suốt những ngày qua trước nguy cơ biểu tình phản đối dự án hợp tác giữa nước này với Lào và Việt Nam (Nguồn: Kampong Speu Provincial Police)
Bên cạnh đó, phe biểu tình cũng không che giấu hoặc hạn chế những người biểu tình thực hiện hành vi bạo lực, làm leo thang căng thẳng như trường hợp của Bangladesh để nhen nhóm hy vọng về một cuộc cách mạng màu (color revolution).
Truyền thông Campuchia nhận định, mạng xã hội (MXH) là công cụ phổ biến để các phe nhóm cực đoan dùng làm công cụ kích động người dân lật đổ chính phủ. Trước đó vào ngày 21/8, Hội đồng Hiến pháp nước này đã lên án một số tài khoản MXH có hành gia giả mạo danh tính Hoàng gia làm tổn hại danh tiếng của Nhà vua và Hoàng hậu.
Ngoài MXH Facebook, Hoàng gia Campuchia cũng đăng tải thông tin phủ nhận các cá nhân sở hữu TikTok mang tên “Norodom Soryavong” và “Sisowath Sinakvong” - có hành vi tự xưng là em trai Nhà Vua.
Campuchia cáo buộc nhiều tài khoản MXH giả mạo Hoàng gia để lan truyền thông tin sai lệch (Nguồn: Press and Quick Reaction Unit)
Kelvin Huynh
Bình luận