Trước sự đổ bộ của Temu - nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chuyên về thị phần hàng giá rẻ, lần lượt các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đã đưa ra cảnh báo.
Theo thông tin từ trang The Low Down (TLD) - blog của Công ty Momentum Works (Singapore), sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chuyên về thị phần hàng giá rẻ “Temu” của đất nước tỷ dân gần đây đã ra mắt tại Việt Nam và Brunei. Qua đó, nâng tổng số thị trường tại Đông Nam Á lên con số 5, bên cạnh Philippines và Malaysia vào năm 2023 cũng như Thái Lan từ tháng 7/2024. Temu do Tập đoàn PDD Holdings - Công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc phát triển.
Mặc dù không thật sự nổi bật ở quê nhà so với những đối thủ cạnh tranh như Taobao, Alibaba,... Temu vẫn thu hút nhiều sự quan tâm tại thị trường quốc tế, đặc biệt ở Bắc Mỹ nhờ phân khúc hàng giá rẻ. Tính đến tháng 10/2024, nó đã phủ sóng tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Cũng theo TLD, phiên bản ra mắt tại Việt Nam của nền tảng vẫn còn khá thô sơ vào thời điểm ra mắt. Bao gồm việc chỉ có tiếng Anh, chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không chấp nhận ví điện tử) và có 02 đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần là Ninja Van và Best Express.
Giao diện nền tảng sàn thương mại điện tử Temu tại Việt Nam (Nguồn: www.temu.com)
Trong khi Ninja Van tương đối quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, Best Express lai ít phổ biến hơn. Dịch vụ vận chuyển này là một trong những công ty giao hàng nhanh lớn nhất tại Trung Quốc, từng được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York (New York Stock Exchange). Trên thực tế, Best Express từng hoạt động trong mảng kinh doanh chuyển phát nhanh tại Việt Nam, nhưng đã bán lại cho J&T Express vào năm 2021, rồi chuyển hướng tập trung vào các giải pháp hậu cần cũng như mở rộng ra nước ngoài.
Do thuận tiện về khoảng cách địa lý, việc mua sắm các sản phẩm từ Temu tại Việt Nam mất khoảng 4 - 7 ngày vận chuyển, nhanh hơn nhiều so với 5 - 20 ngày từ Trung Quốc đến Malaysia hoặc Philippines. Một báo cáo vào năm 2023 của Momentum Works cho thấy Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất. Thị phần tại quốc gia Đông Nam Á này nhiều khả năng sẽ được nền tảng thương mại điện tử này đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.
Ngoài những cơ hội, vẫn có những quan ngại về ảnh hưởng của nó đến thị trường thương mại điện tử nội địa các nước nói chung cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and Medium Enterprise, viết tắt: SME) nói riêng.
Làn sóng hàng giá rẻ từ Temu dấy lên lo ngại về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh thiếu công bằng (Nguồn: X “Temu”)
Truyền thông Việt Nam (tờ Giao thông) nhận định, trước sự đổ bộ của Temu, thị trường thương mại điện tử nước này sắp có thêm đối thủ lớn. Trong khi đó, làn sóng sản phẩm giá rẻ tràn vào từ Trung Quốc gây ra nhiều ý kiến trái chiều tại đất nước “Chùa Vàng”. Sau khoảng 01 tháng ra mắt, tờ The Nation (Thái Lan) trích dẫn yêu cầu cấm nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc của phần lớn người tiêu dùng và doanh nhân quốc nội vì lo ngại nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, khả năng cạnh tranh của các SME.
Có phần gay gắt hơn, Indonesia - quốc gia chưa được Temu phủ sóng mới đây bất ngờ yêu cầu Apple Inc và Google LLC chặn tìm kiếm Temu trên công cụ của hãng. Cần biết rằng trước đó, đất nước Đông Nam Á này từng duy trì lệnh cấm nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc vì lo ngại những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế và bảo vệ các SME, CNA thông tin.
Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế vẫn lạc quan về tiềm năng ra mắt của nền tảng trên khắp lãnh thổ Jakarta. Theo chuyên gia tại Momentum Works, Best Express - một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần thuộc Temu cũng đã mở công ty con tại Indonesia vào tháng 8 năm nay. Bên cạnh đó, động thái căng thẳng với nền tảng thương mại tương tự là “TikTok Shop” cũng từng xảy ra ở Indonesia vào năm ngoái, nhưng nó nhanh chóng kết thúc khi TikTok hoàn tất việc mua lại Tokopedia - Công ty địa phương chỉ sau 2 tháng.
Tony Nguyen
Bình luận