Cần có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Cần có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân
Tin Quốc Tế

Cần có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 28.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

 

Toàn cảnh phiên họp sáng 28.10.

 

9h10: Cần có giải pháp kịp thời giải quyết việc thiếu thuốc, thiết bị y tế

Đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đề xuất có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành Y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ COVID-19.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế. Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới.

 


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh. 

 

Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, vì trong 9 tháng qua, mới giải ngân được 20%. Đồng thời, có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình. Lưu ý mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp.

Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 1.1.2023. Mặt khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành Y tế, Giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp, các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn và để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu.

9h00: Không đồng tình với suy nghĩ cán bộ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”

Phát biểu thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, khi nói về tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển cho các công trình dự án trọng điểm quốc gia, công trình dự án quan trọng của địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, hay việc chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19 trong 2 năm 2022-2023, cho thấy rõ đây là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng.

Theo nữ đại biểu đoàn Điện Biên, một trong các kênh phục hồi kinh tế quan trọng là kích cầu đầu tư chưa phát huy được hiệu quả tích cực của nó như đã được thiết kế và kỳ vọng. Đúng là có việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án; có phần là do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ, tuy nhiên yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định. 

 

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Đoàn Điện Biên.

 

“Tôi không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì tâm lý “e ngại”, “sợ sai”, “đùn đẩy”, “sợ trách nhiệm”… như vậy thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển” - đại biểu Yên nêu ý kiến.

Đại biểu Yên cho rằng, nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại. Vì đứng đằng sau, chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Do vậy, đại biểu mong rằng Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.

Liên quan tới vấn đề xăng dầu, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, vấn đề xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” cũng cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Theo đại biểu, chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. 2 Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Vậy mà thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TPHCM.

Xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Nên giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế. 

Đại biểu cho rằng, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Về chính sách, chế độ cho ngành y tế, giáo dục, đại biểu mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa tới 2 ngành y tế và giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, từ chế độ lương, phụ cấp, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc men, sách giáo khoa, chương trình giảng dạy,… để có thể tạo sự chuyển biến rõ rệt ngay trong năm 2023 từ nguồn tăng thu của ngân sách Trung ương năm 2022, dự kiến sẽ thu vượt dự toán lớn, để người thầy thuốc, thầy giáo an tâm, tận tâm với nghề, chăm lo cho sức khỏe và trí tuệ Nhân dân.

8h45: Nhiều khó khăn trong lĩnh vực y tế cần được tháo gỡ

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) chỉ ra rằng, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề, nhưng dưới sự chỉ đạo lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nền kinh tế đang dần được phục hồi.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại, nhất là trong lĩnh vực y tế. Đại biểu chỉ ra rằng, hiện nay, nhân lực y tế chưa có được chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc.

Để hoàn thành các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tiếp tục chia sẻ những khó khăn, thách thức với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục. Trong lúc chưa thể sửa đổi các văn bản pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay.

 

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

 

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh đang chưa được thanh toán do chưa được do vượt tổng mức thanh toán.

Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương đôn đốc giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, kiến nghị Quốc hội cho việc phân bổ ngân sách nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển.

8h35: Cần có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

Ông nói: “Có thể khẳng định năm 2022, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn, khó khăn, chồng chất khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của trung ương, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đạt được kết quả khá toàn diện”.

Tuy nhiên, ông cũng góp ý về một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân. Từ thực tiễn địa phương, ông kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân. Bởi công nhân là lực lượng có vị trí vô cùng quan trọng, có những đặc điểm, đặc thù so với các lực lượng lao động khác, nhưng quy định hiện hành chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng này. Hoặc chỉ là những quy định rải rác trong một số văn bản có liên quan và còn có những bất cập như tại điều 49 Luật Nhà ở năm 2014. 

 

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

 

Ông đề nghị tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân. Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đã nhấn mạnh mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 xây dựng 1 triệu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi cần nguồn lực rất lớn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp mà còn huy động cả nguồn lực từ các cá nhân, hộ gia đình. 

“Từ thực tiễn ở Bắc Giang, hiện chúng tôi có hơn 5.000 nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng cho công nhân thuê. Tuy nhiên, số lượng nhà ở như vậy chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho công nhân nên cần tiếp tục khuyến khích các cá nhân xây dựng thêm nhà ở cho công nhân với số lượng khoảng 180.000 nhà ở”, ông Tuấn nói và đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan tiếp tục cụ thể hoá, triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đã được quy định tại Luật Nhà ở, nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Đồng thời chú trọng triển khai cơ chế vay ưu đãi cho các hộ gia đình đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân.

8h25: Không vì thời gian kéo dài mà giảm đi số vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung chỉ đạo bước đầu thực hiện hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ đã mạnh dạn phân cấp cho các địa phương, từ đó tập trung tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, xử lý các tồn đọng kéo dài nhiều năm, ứng phó kịp thời với những biến động của thế giới, khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra; việc phân bổ, triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm; các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chưa rõ; các địa phương còn lúng túng trong việc phân cấp định mức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng; giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.

 

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt như trong giai đoạn vừa qua, trong đó quyết liệt triển khai tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế.

Tiếp tục thận trọng, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là các biện pháp để kiểm soát và kiềm chế lạm phát, trong đó tập trung hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đảm bảo nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm chi tiêu hợp lý.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023. Đồng thời cũng đề nghị không vì việc kéo dài này mà giảm đi số vốn của 3 Chương trình mục tiêu năm 2023 cho các địa phương để đảm bảo đúng tiến độ mục tiêu của 3 chương trình.

8h15: Mong muốn tăng lương cơ sở từ 1.1.2023

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên đại biểu cho biết, bên cạnh những thuận lợi như tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế đã được bắt đầu hồi phục khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đã dần được ổn định và hoạt động có hiệu quả, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tổng thu ngân sách vượt dự toán rất cao, tăng hơn 14% so với dự toán.

Đáng chú ý là doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 163.000 doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, đạt được những kết quả trên là do sự quyết tâm, đầy trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương, đồng thuận của doanh nghiệp, người dân.

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

 

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc như tình trạng gian lận, trốn thuế trong một số lĩnh vực vẫn còn diễn ra ngang nhiên, các bộ, ban tích cực chỉ đạo, tháo gỡ, xử lý và đã có hiệu quả tích cực, song vẫn còn khiêm tốn. Đại biểu Hòa cho rằng, cơ cấu ngân sách nhà nước chưa vững chắc, nguồn thu từ đất, từ thuế thu nhập cá nhân, vẫn còn rất lớn. Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh chỉ bằng 1/3 tổng nguồn thu, trong đó có thu từ dầu hỏa. Mặc dù các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng có địa phương thu rất cao, có địa phương thu thấp.

Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn trong việc dự toán thu từ sử dụng đất, thu từ các nguồn thu và cần có sự cân đối thực tế để có sự phấn đấu, tránh những trường hợp dự toán thấp để vượt thu, hưởng tỷ lệ cho địa phương.

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Phạm Văn Hoà thống nhất với việc chi tăng lương cơ sở theo tờ trình của Chính phủ là thực hiện từ ngày 1.7.2023. Tuy nhiên, đại biểu mong muốn nếu cuối năm và đầu năm 2023 có tăng cao, ổn định, tốt và chi thường xuyên có nguồn tiết kiệm của các ngành, địa phương đạt được hiệu quả thì có thể áp dụng việc tăng lương cơ sở từ 1.1.2023.

8h10: Khi đã giao cho bệnh viện tự chủ thì phải cho họ được tự chủ thật sự

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, y tế Việt Nam đã và đang bị chao đảo. Cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công, thuốc, sinh phẩm và vật tư y tế bị thiếu, việc mua sắm bổ sung cho bệnh viện đang bị đình đốn. Ngoài ra, vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ.

Theo ông Nguyễn Anh Trí, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên, dù bất cứ lý do nào mà không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với nhân dân. Bằng mọi giá chúng ta cần giải quyết để chấm dứt tình trạng này.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.

 

Ông Trí cho rằng, việc không tự chủ được ở các bệnh viện hạng cao, tuyến cuối là một sự thất bại. Nguyên nhân trước hết là do thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm tháo gỡ tình trạng này. Khi đã giao cho bệnh viện tự chủ thì phải cho họ được tự chủ thật sự, đặc biệt là về tài chính và nhân lực. Điều ông Trí quan tâm tiếp đó là về đạo đức. Việc trẻ em bị đóng đinh vào đầu, học sinh “mày tao” với thầy cô giáo, lấy lý do dạy con học mẹ hờ đánh con đến chết… Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết để chấm dứt những dấu hiệu về đạo đức này một cách căn cơ, bài bản.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Trí, chưa bao giờ cán bộ, công chức bị phát hiện vi phạm quy định nhiều như lúc này. Chưa bao giờ có nhiều cán bộ quản lý từ thấp đến cao, rất cao bị xử lý kỷ luật như bây giờ. Mặc dù qua đó chúng ta rất tin tưởng quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, tuy nhiên nhìn vào những con số đó khiến nhiều người không khỏi buồn, lo lắng.

Để hạn chế các sai sót của cán bộ, ông Trí đề nghị cần chú ý hơn việc đào tạo, rèn luyện, tu dưỡng. Đặc biệt, cần nâng cao sự giám sát của nhân dân. Ông nhấn mạnh không gì có thể qua được mắt của nhân dân, bởi vậy nhân dân cần vào cuộc, phát hiện từ sớm thì mới giảm được. Ngoài ra, khi xem xét kỷ luật cán bộ, cần xem xét thật có lý, có tình, nhất là với những vấn đề mới, chưa có tiền lệ.

8h02: Quốc hội bắt đầu thảo luận phiên họp buổi sáng.

Bên cạnh thảo luận của các đại biểu Quốc hội, các Bộ trưởng: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu.

Trong ngày hôm qua (27.10), Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Đã có 42 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận, 3 Bộ trưởng đã tham gia trao đổi các vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

 

NHÓM PV

 

 Theo laodong.vn

 

https://laodong.vn/thoi-su/can-co-co-che-chinh-sach-dac-thu-ve-nha-o-cho-cong-nhan-1110006.ldo

 

Bình luận