Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố, khối này sẽ đầu tư thêm 50 tỷ euro (bổ sung vào khoản tài trợ 150 tỷ euro) từ ngân sách thúc đẩy tham vọng về trí tuệ nhân tạo (AI). Động thái thể hiện tham vọng của EU trong việc cạnh tranh với Hoa Kỳ và Trung Quốc về công nghệ toàn cầu.
Ủy ban châu Âu (European Commission, viết tắt: EC) ngày 12/2 cho biết, tuyên bố trên được người đứng đầu tổ chức - Chủ tịch Ursula von der Leyen phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo (AI Action Summit) diễn ra từ ngày 10 - 11/2, ở Paris (thủ đô Cộng hòa Pháp). Trong bối cảnh nhiều quốc gia nỗ lực dẫn đầu trong lĩnh vực này, bà Von der Leyen nói muốn EU trở thành một trong những châu lục dẫn đầu về AI, đồng thời không chấp nhận khu vực chậm chân so với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo ở Pháp (Nguồn: X “@EmmanuelMacron” )
Theo Reuters, tài trợ từ châu Âu sẽ bổ sung cho “European AI Champions” - sáng kiến phát triển AI do công ty General Catalyst dẫn đầu, từng thu hút được 150 tỷ euro cam kết đầu tư từ nhiều doanh nghiệp lớn như: Airbus, ASML, Siemens, Infineon, Philips, Mistral và Volkswagen. Bên cạnh đó, The Verge - Trang tin tức về công nghệ quốc tế bổ sung thêm, khoản đầu tư này còn hỗ trợ cung cấp cho “InvestAI” - Sáng kiến trị giá 200 tỷ euro dành để thúc đẩy xây dựng các “gigafactory” (cơ sở sản xuất nơi các thành phần) AI trên khắp 27 quốc gia thành viên EU. Đây là chương trình được chuyên trang về công nghệ The Verge đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo các mô hình AI phức tạp trong nội bộ khối.
Cũng tại AI Action Summit năm nay, tờ CNBC dẫn lời lãnh đạo nước chủ nhà - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nước này sẽ “trở lại cuộc đua” AI, với kế hoạch đầu tư 109 tỷ euro. Đồng thời, khẳng định tham vọng của châu Âu trong việc tham gia vào cuộc cạnh tranh lãnh đạo và đổi mới trí tuệ nhân tạo vốn đang bị thống trị bởi những nền kinh tế hàng đầu thế giới, dưới sự dẫn dắt của chính quyền Paris. Hội nghị AI của EU diễn ra trong bối cảnh thế giới vừa chứng kiến những bước tiến đáng kể từ hai cường quốc công nghệ. Vào tháng 1/2025, thông báo về dự án “Stargate” trị giá 500 tỷ USD của Hoa Kỳ đã gây chấn động toàn cầu, tiếp theo là sự xuất hiện của mô hình AI DeepSeek từ Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường tài chính.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 10/2, Tổng giám đốc điều hành (CEO) Synthesia (công ty sản xuất phương tiện truyền thông bằng AI) - ông Victor Riparbelli lạc quan về sự phát triển công nghệ ở châu Âu. CEO Synthesia khẳng định, ít nhất tại một khu vực của EU đang bắt đầu chứng kiến sự nổi lên của các nhà lãnh đạo toàn cầu về trí tuệ nhân tạo. Những tín hiệu tích cực này cho thấy châu Âu đang nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau, ông Riparbelli chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Nguồn: X “@vonderleyen” )
Mặc dù đang nỗ lực vươn lên trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, hình ảnh châu Âu như một khu vực có quy định công nghệ cứng nhắc vẫn chưa thay đổi. “Đạo luật AI của EU” (EU Artificial Intelligence Act) - Bộ luật đầu tiên trên thế giới về quản lý trí tuệ nhân tạo, dự kiến có hiệu lực vào năm 2024, đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các công ty công nghệ cũng như một số quốc gia, trong đó có chủ nhà Pháp. Các thành viên của khối cho rằng, quy định này có thể kìm hãm sự đổi mới và làm giảm sức cạnh tranh của châu Âu.
CEO tập đoàn viễn thông Orange S.A - bà Christel Heydemann cho rằng, châu Âu có quá nhiều quy định, bao gồm Đạo luật AI. Điều này đang làm chậm quá trình phát triển của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiềm năng của thị trường khu vực. Tuy nhiên, bà Heydemann vẫn lạc quan về vị thế của EU trong cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo cũng như khẳng định, cuộc đua với Washington, D.C và Bắc Kinh vẫn chưa kết thúc.
Kelsey Pham
Bình luận