Ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện nay xuất phát từ nguyên nhân phát triển đô thị quá nóng nhiều thập kỉ cùng với những quy hoạch chưa động bộ về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Mới đây, tại Kì họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định. Bà cho rằng việc này một mặt sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng có quy định thu phí xe vào giờ cao điểm; số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lí thu phí đỗ xe theo giờ…
Giải pháp tương tự ý kiến của đại biểu Nguyễn Phương Thủy hay đồ án điều chỉnh quy hoạch TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần được một số địa phương đưa ra, song tất cả đều chưa tạo được đồng thuận vì bộc lộ sự bất khả thi. Phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua tăng nhanh, mật độ tham gia giao thông quá lớn là một thực trạng khách quan. Giao thông đô thị như một hệ thống mạch máu bảo đảm cho sức sống và phát triển. Các phương tiện giao thông như những công cụ chuyên chở, là động lực để “mạch máu” không ngừng vận động. Khi ta hạn chế một loại công cụ vận chuyển nào đó thì “dòng máu” sẽ cần các công cụ khác để chuyển tải. Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trước tiên cần có hệ thống giao thông công cộng đủ năng lực thay thế.
Được biết, tỉ lệ đảm nhiệm của vận tải hành khách công cộng toàn TP Hà Nội vào năm 2023 mới chỉ đạt 19,5%. Năm 2024 đặt mục tiêu tỉ lệ này đạt từ 22-25%. TP Hồ Chí Minh cũng phấn đấu giai đoạn 2022-2030 mới đạt tỉ lệ 25%.
Chính sách “đánh” vào kinh tế thông qua thu phí cao liệu có khiến nhiều người từ bỏ phương tiện cá nhân? Và nếu từ bỏ thì họ sử dụng phương tiện gì khi mà giao thông công cộng chưa thể đáp ứng? Hệ quả tất yếu là sẽ chẳng hạn chế được phương tiện khi người tham gia giao thông không có sự lựa chọn khác thay thế. Kết quả, Nhà nước có thể thu được một lượng ngân sách từ phí, còn người dân thì chỉ chấp nhận mất thêm tiền phí vì không thể từ bỏ sử dụng phương tiện riêng.
Không chỉ lãnh đạo, cơ quan quản lí mà hầu hết người dân tại các đô thị lớn đều mong vấn đề ùn tắc giao thông được giải quyết. Tuy nhiên cần dựa trên cách nhìn nhận, đánh giá khoa học, toàn diện để có giải pháp đồng bộ chứ không chỉ từ ý chí chủ quan, áp đặt.
Bình luận