Chưa chốt phương án đầu tư sân bay Côn Đảo
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Chưa chốt phương án đầu tư sân bay Côn Đảo
Tin Quốc Tế

Chưa chốt phương án đầu tư sân bay Côn Đảo

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, có 2 phương án đầu tư đồng bộ sân bay Côn Đảo, hoặc theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, hoặc theo Luật Đầu tư PPP.

Chưa chốt phương án đầu tư sân bay Côn ĐảoSân bay Côn Đảo. Ảnh LĐo

Liên quan đến việc đầu tư sân bay Côn Đảo, thông tin Cục Hàng không Việt Nam ngày 23.9 cho biết, nếu triển khai đầu tư theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm chủ đầu tư. Theo đó, Dự án thành phần 1: Đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn với tổng kinh phí 1.680 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12.2024.

Dự án thành phần 2 (công trình bảo đảm hoạt động bay) sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm nhiệm. Theo đó, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm đầu tư Đài Kiểm soát không lưu, Hệ thống quan trắc khí tượng tự động với tổng mức đầu tư dự kiến 169 tỉ đồng.

Dự án thành phần 3 (nhà ga hành khách, sân đỗ và hạ tầng dùng chung…) sẽ do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.400 tỉ đồng.

Riêng dự án thành phần 4 (kho xăng dầu hàng không) sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay của Bộ Giao thông Vận tải. Dự kiến có tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư.

Phương án 2 sẽ triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư (trừ hình thức BOO để đảm bảo nguyên tắc nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia).

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền dự án PPP Cảng Hàng không Côn Đảo. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.402 tỉ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện tối thiểu 51 tháng trong khi nếu triển khai theo phương án 1 chỉ cần 21 tháng.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ưu điểm của phương án 1 là đảm bảo quyền của doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp Nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; Đảm bảo sự ổn định trong phối hợp khai thác, đảm bảo ổn định vai trò quốc phòng an ninh của cảng hàng không, sân bay khai thác dùng chung; không gây xáo trộn; Tuân thủ đúng, đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, khó khăn của phương án này là hiện tại ACV chưa cân đối được kinh phí đầu tư giai đoạn 2021-2025 để triển khai đầu tư các hạng mục Dự án thành phần 3 theo đúng Quy hoạch Cảng Hàng không Côn Đảo đã được phê duyệt.

Với phương án 2, ưu điểm là huy động được nguồn vốn của xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; giảm áp lực về nguồn vốn cho nhà nước cũng như doanh nghiệp nhà nước là ACV. Tuy nhiên nhược điểm là thay đổi về vai trò doanh nghiệp cảng, người khai. Theo đó doanh nghiệp Nhà nước không còn đóng vai trò là doanh nghiệp cảng. Thay đổi cơ chế khai thác, theo đó ảnh hưởng đến công tác phối hợp ổn định về quốc phòng an ninh của Cảng Hàng không Côn Đảo từ trước đến nay.

Do đó, Cục Hàng không cho rằng đầu tư theo phương án 1 sẽ khả thi hơn do đã có các chủ đầu tư dự án thành phần theo quy định pháp luật hiện hành. Thực tế, việc kêu gọi đầu tư PPP theo phương án 2 với tổng mức đầu tư ước tính 4.400 tỉ đồng đối với Cảng Hàng không Côn Đảo có công suất dưới 2 triệu hành khách/năm sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nếu xét về phương án hoàn vốn cũng như hiệu quả đầu tư.

 MINH HẠNH

Theo laodong.vn 

https://laodong.vn/xa-hoi/chua-chot-phuong-an-dau-tu-san-bay-con-dao-1096480.ldo

Bình luận