Có những cuốn sách phải mua nhưng chưa bao giờ dùng đến
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Có những cuốn sách phải mua nhưng chưa bao giờ dùng đến
Tin Quốc Tế

Có những cuốn sách phải mua nhưng chưa bao giờ dùng đến

Cuối mỗi học kỳ, khi cùng con thu dọn sách vở, chuẩn bị cho học kỳ mới, nhiều phụ huynh lại thấy những cuốn sách phủ bụi, mới cứng, chưa có dấu vân tay.

Quá lãng phí

Năm học 2022-2023 con gái chị Thu Huyền (thành phố Thanh Hóa) học sách giáo khoa lớp 3 chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do không rõ năm học mới có gì thay đổi, lại sợ mua thiếu sách vở cho con nên chị đã đăng ký mua sách tại trường. Tổng số tiền là hơn 1 triệu đồng với hơn 20 đầu sách khác nhau.

“Lúc con nhận sách và học được một thời gian, tôi mới kiểm tra và nhận ra rằng có rất nhiều sách tham khảo, sách bài tập và sách bổ trợ được bán kèm theo sách giáo khoa. Nhiều cuốn như Bản đồ và tranh ảnh Lịch sử hay Giáo dục An toàn giao thông… nửa năm rồi vẫn chưa đụng đến. Tôi cảm thấy quá lãng phí” - chị Huyền chia sẻ.

Có những cuốn sách phải mua nhưng chưa bao giờ dùng đếnSách bài tập bán kèm sách giáo khoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đã hết học kỳ 1 nhưng chị Phạm Tĩnh (Hà Nam) không thấy con gái lớp 5 học sách Tài liệu giáo dục An toàn giao thông hay Hoạt động trải nghiệm đã mua trước đó. Đặc biệt, một số sách bài tập cũng không sử dụng đến.

“Năm nào nhà tôi cũng phải vứt bỏ 3-4 cuốn sách vì cô giáo không dạy và con cũng không đọc do khối lượng bài vở hằng ngày quá tải. Hơn nữa, sách tham khảo gần như không lôi cuốn trẻ ở độ tuổi tiểu học” - chị Tĩnh nói.

Không chỉ sách tham khảo, sách bài tập, con gái anh Lê Thành, học sinh cấp THCS tại Đông Sơn (Thanh Hóa) còn mua đồ dùng học tập đi kèm. “Tôi tin tưởng thầy cô, nhà trường nên mua sách theo nguyên bộ, có kèm theo cả đồ dùng học tập vì nghĩ rằng nó sẽ cần thiết cho việc học. Thế nhưng, có những bộ đồ làm thủ công hay lắp ráp mô hình, tôi chưa từng thấy con sử dụng” - anh Thành chia sẻ.

Nhiều phụ huynh cho rằng, mang danh nghĩa tự nguyện nhưng họ ngầm hiểu là nên mua theo nhà trường để “dễ dàng” cho con em mình học tập. Thế nhưng, không phải cha mẹ nào cũng có đủ điều kiện để chi trả cả triệu đồng tiền sách cho con. Đặc biệt là những gia đình ở nông thôn, miền núi hay công nhân thu nhập thấp.

Cần giảm gánh nặng cho phụ huynh thay vì lãng phí

Năm học 2022-2023 dư luận đã nhiều lần “dậy sóng” vì tình trạng bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc”. Một số trường “ép” phụ huynh mua bộ sách cả triệu đồng, nhập nhèm giữa sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, đồ dùng học tập khác.

Trước những tranh luận về việc sách tham khảo, sách bài tập như một “tệp đính kèm” của sách giáo khoa, nhiều giáo viên cho rằng, việc thực hiện các giải pháp giảm gánh nặng cho gia đình học sinh là rất cần thiết.

Cô Lã Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Bình Thuận (Tuyên Quang) - cho biết, nhà trường không bán sách giáo khoa kèm theo sách tham khảo, nhưng giáo viên vẫn sử dụng vì chúng bổ trợ cho kiến thức trong sách giáo khoa. Điều này cũng giúp phụ huynh giảm được chi phí mua sách.

“Để tránh tình trạng lãng phí, phụ huynh sẽ mua theo nhu cầu học tập của các con chứ không mua tràn lan. Giáo viên hỗ trợ việc giao bài tập và mở rộng kiến thức bài học nhiều nhất có thể. Chúng ta cần giảm gánh nặng cho phụ huynh thay vì lãng phí” - cô Huyền nói.

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỉ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ngày 10.6.2022 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu giám đốc các Sở GDĐT chỉ đạo các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách được sử dụng lại lâu bền.

Cùng đó, chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trong đó nhấn mạnh nội dung, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

TRANG HÀ

Theo laodong.vn 

https://laodong.vn/giao-duc/co-nhung-cuon-sach-phai-mua-nhung-chua-bao-gio-dung-den-1148385.ldo 

Bình luận