Về động thái bỏ phiếu thông qua áp thuế chống trợ cấp xe điện chạy pin ngày 4/10 của Liên minh châu Âu, Trung Quốc gần đây đã đưa ra bình luận. Đồng thời, cơ quan thương mại phía chính quyền Bắc Kinh cũng mời các chuyên gia EU tham gia thêm các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp.
Trước đó vào ngày 4/10, Ủy ban châu Âu (European Commission, viết tắt: EC) - cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu (European Union, viết tắt: EU) thông báo, đề xuất áp thuế chống trợ cấp (Countervailing Duty, viết tắt: CVD) xe điện chạy bằng pin (battery electric vehicles, viết tắt: BEV) nhập khẩu từ Trung Quốc nhận được nhiều sự ủng hộ của các thành viên EU. Ghi nhận hoạt động bỏ phiếu kín có sự tham gia của 27 quốc gia thuộc Liên minh. Điều này đồng nghĩa các ngành sản xuất/xuất khẩu BEV Bắc Kinh đang đứng trước nguy cơ gặp khó khăn khi tìm đường sang thị trường châu Âu trong 05 năm tới.
Cũng theo EC, EU và Trung Quốc đang tìm kiếm một giải pháp thay thế hoàn toàn để giải quyết tình trạng trợ cấp theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, viết tắt: WTO). Dự kiến các kết quả chính thức sẽ được bên điều tra công bố chậm nhất vào ngày 30/10.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu, EU là một trong những khu vực tiên phong cho việc hưởng ứng tiêu thụ ô tô sử dụng nhiên liệu thay thế, đặc biệt là BEV. Những năm qua, thị trường châu Âu cũng là một trong những điểm đếm hàng đầu của các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Theo thông tin từ Trung tâm WTO, lượng ô tô xuất khẩu từ Bắc Kinh sang EU đạt 133.000 chiếc vào năm 1999. Đến năm 2023, con số trên đã tăng gấp 5 lần khi đặt mức 667.000 chiếc được xuất bán, chiếm 20% lượng ô tô nhập khẩu của EU. Điều này đã giúp đất nước tỷ dân trở thành nhà cung cấp ô tô hàng đầu khu vực, vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Xe điện chạy bằng pin (Nguồn: European Commission)
Giới quan sát thị trường cho rằng, việc EU đề xuất áp thuế quan sẽ có ảnh hưởng lớn đối với ngành xe điện Trung Quốc. Sau nhiều ngày im lặng, Bộ Thương mại Trung Quốc (中华人民共和国商务部/Ministry of Commerce: viết tắt: MOFCOM) gần đây đã chính thức đưa ra bình luận về động thái của EU. Trong thông cáo báo chí ngày 9/10 (giờ Bắc Kinh), người phát ngôn đại diện cơ quan này cho rằng, đề xuất áp thuế là “bảo hộ không công bằng” (unfair). MOFCOM kiên quyết phản đối EU cũng như lên án việc áp dụng CVD đối với BEV nước này.
Mặc dù kiên quyết phản đối dự thảo kết luận cuối cùng của EU, Bắc Kinh vẫn bày tỏ mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán. Trung Quốc hy vọng, EU sẽ tỉnh táo và hiểu rằng việc áp thuế sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề gì, chỉ làm lung lay và cản trở các doanh nghiệp nước này đầu tư và hợp tác với châu Âu.
Theo thông tin gần đây (12/10) từ truyền thông phía chính quyền Bắc Kinh (South China Morning Post), MOFCOM đã mời một nhóm chuyên gia EU đến làm việc nhằm thay đổi quyết định áp thuế của Liên minh đối. Tuy nhiên, động thái này không nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới quan sát khi 03 tuần đàm phán trước đó đều kết thúc trong thất bại. Tờ People's Daily Online (Trung Quốc) cho biết, kể từ ngày 20/9, đại diện Trung Quốc và EU đã tổ chức 08 vòng đàm phán chuyên sâu kéo dài trong 20 ngày tại Brussels (Bỉ), nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt.
Bên cạnh đó, truyền thông châu Á (Asia News Network) trích dẫn một tuyên bố khác của MOFCOM cảnh báo, EU không nên vừa tham vấn với Chính phủ Bắc Kinh, vừa tiến hành đàm phán riêng lẻ với từng doanh nghiệp. Cơ quan này khẳng định, điều này làm xói mòn nền tảng tin cậy lẫn nhau và làm gián đoạn quá trình đạt thỏa thuận.
Tony Nguyen
Bình luận