Tại một vùng quê heo hút thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có một trang trại nuôi heo tư nhân đầu tiên và lớn nhất miền Tây Nam Bộ với hàng nghìn heo giống, heo thịt. Chính ông Võ Văn Kiệt (lúc làm Bí thư Thành ủy TPHCM) đã là duyên cớ cho sự ra đời trang trại và ông đã về ngủ tại trang trại này khi đã là Phó Thủ tướng.
Ông Võ Văn Kiệt (đeo kính) và ông Hai Chung (ngoài cùng bên phải) thăm nông dân cấy lúa. Ảnh: Chụp lại ảnh gia đình
Bí thư Thành ủy lội ruộng xem cấy lúa
Ông Nguyễn Văn Chung (Hai Chung, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) nhớ lại: Những năm sau ngày đất nước thống nhất, dịch rầy nâu hoành hành trên đồng ruộng Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL, đời sống người nông dân khốn khó.
Nghe đài đưa tin GS-TS Võ Tòng Xuân đi công tác ở Viện lúa Quốc tế (IRRI) bên Philippines về có mang theo giống lúa kháng rầy IR36 trồng thử nghiệm, ông Chung đã cất công xuống Cần Thơ tìm gặp ông Xuân xin được 8 hạt lúa về nhân giống.
Từ 8 hạt lúa giống ban đầu, ông Chung đã nhân ra được 124 cây lúa. Lúa chín, ông lại tuyển chọn những bông lúa dài, hạt no để tiếp tục nhân giống. Cứ vậy, chỉ sau vài vụ lúa, ông đã có đủ lượng lúa giống IR36 để gieo cấy trên 3ha đất của gia đình. Trong khi lúa trong vùng bị rầy nâu gây hại thì đám ruộng nhà ông lúa phát triển tốt, bông dài, hạt chắc, năng suất đạt 5 tấn/ha, một con số kỷ lục thời đó.
Trong vòng 3 năm sau đó, ông đã làm được một việc không tưởng: Sản xuất được hơn 60 tấn lúa giống kháng rầy “quý hơn vàng” và tình nguyện biếu không cho nông dân trong vùng và các tỉnh ĐBSCL, góp phần đẩy lùi nạn rầy nâu phá lúa ở nơi đây. Căn nhà của ông trở thành nơi thực tập của sinh viên Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ và thường xuyên đón tiếp cán bộ ngành nông nghiệp ở Trung ương và các địa phương.
Với thành tích đặc biệt ấy, ông Hai Chung đã được mời đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa ở Philipinnes, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc.
Tại Hội nghị những người trồng lúa tiêu biểu trên thế giới tổ chức ở Philippines năm 1985, đích thân Tổng thống Ferdinand Marcos đã nghe ông Hai Chung báo cáo thành tích trồng lúa và tặng thưởng Bằng Danh dự cho ông.
Câu chuyện về “Vua lúa giống” Hai Chung đã đến tai Bí thư Thành ủy TPHCM lúc đó là ông Võ Văn Kiệt, đặc biệt là sau khi ông Hai Chung được ngành Nông nghiệp TPHCM mời về hướng dẫn bà con ngoại thành và lực lượng Thanh niên xung phong trồng lúa đạt năng suất cao. Rồi đích thân ông Võ Văn Kiệt đã tìm đến Chợ Gạo thăm ông Hai Chung và để tận mắt xem cách làm ruộng của “Vua lúa giống”.
Ông Võ Văn Kiệt đã dành suốt một ngày để xem cách ông Hai Chung nhân giống lúa; cách ông áp dụng những tiến bộ khoa học trên đồng ruộng; cách tổ chức sản xuất tiên tiến, điều còn khá mới mẻ lúc đó.
Đích thân Bí thư Thành ủy TPHCM đã cùng ông Hai Chung xắn quần lội ruộng suốt một tiếng đồng hồ để xem những người https://tinnongtoday.vn/song-khoe-song-tho-bang-thuc-duong.html làm đất, làm mạ, cấy lúa… Trước khi chia tay, ông Võ Văn Kiệt gợi ý với “Vua lúa giống”: "Tôi thấy anh Hai làm lúa như vầy thì ngon quá rồi! Anh Hai thử làm thêm nghề chăn nuôi xem sao, tôi tin là cũng sẽ tốt đẹp!”.
Dấu ấn “ông Sáu Dân”
Khách ra về, ông Chung lại vùi đầu vào cây lúa và quên luôn lời gợi ý của “ông Sáu Dân” (cách ông Hai Chung gọi ông Võ Văn Kiệt) về chuyện chăn nuôi. Hơn một tháng sau, bất ngờ ông Hai Chung thấy mấy người thanh niên khiêng 2 con heo (khoảng 60 - 70kg/con) vô nhà mình, theo sau là một cán bộ, đó là Giám đốc Ty Nông nghiệp TPHCM.
Khách cho biết, đây là 2 trong số những con heo giống do ngành Nông nghiệp Pháp tặng Bí thư Thành ủy TPHCM và ông Võ Văn Kiệt phân công lãnh đạo Ty Nông nghiệp thành phố đích thân mang 2 con để trao tận tay “Vua lúa giống” với lời nhắn gửi: "Ráng nuôi nghen anh Hai!".
Ông Hai Chung ngay tức thì làm chuồng trại đúng theo hướng dẫn của khách và yêu thương, chăm sóc 2 con heo như chăm sóc "trẻ thơ". Chỉ 3 tháng sau, hai con heo giống đẻ lứa đầu tiên được 20 con, trong đó có 16 con cái.
Ông Hai Chung cứ miệt mài chăm sóc, mở rộng đàn, xây thêm chuồng trại, sắm sửa trang thiết bị chăn nuôi theo hướng hiện đại. Đàn heo của ông nâng dần lên, mỗi năm cung cấp cho thị trường 4.000 - 5.000 heo giống và tinh heo, trở thành trang trại heo tư nhân lớn nhất vùng ĐBSCL.
Nhờ chăn nuôi đúng bài bản, những lần dịch bệnh trên heo bùng phát trong vùng, đàn heo của ông Chung vẫn an toàn.
Khi đã ra nhận công tác ở Hà Nội, trong một lần đi công tác miền Tây về ngang Tiền Giang, ông Võ Văn Kiệt đã ghé thăm và ngủ lại nhà ông Hai Chung. Phó Thủ tướng rất vui khi tận mắt chứng kiến trang trại nuôi heo hiện đại của ông Hai Chung lên đến cả nghìn con xuất phát từ 2 con heo giống ban đầu được mình gửi tặng.
Ông Hai Chung đã có một đêm hầu chuyện, trình bày với ông Võ Văn Kiệt những kinh nghiệm trồng lúa, nuôi heo theo hướng hiện đại, an toàn. Ông Võ Văn Kiệt đã có một giấc ngủ ngon trên chiếc ván gỗ là vật “gia bảo” của cha mẹ ông Hai Chung truyền lại.
Người viết đã nhiều lần đến thăm ông Hai Chung và trang trại nuôi heo của ông, lần nào ông cũng tự hào khoe nhờ “ông Sáu Dân” mới có trang trại nuôi heo này.
Ở nơi trang trọng trong phòng khách, ông Hai Chung treo tấm hình chụp ông với ông Võ Văn Kiệt đang lội ruộng coi nông dân cấy lúa. Ông cũng không quên chỉ tấm ván gỗ nơi ông Võ Văn Kiệt nghỉ qua đêm và chiếc xe gắn máy Honda 67 ông dùng chở ông Võ Văn Kiệt đi thăm ruộng lúa năm nào.
NGUYỄN PHẤN ĐẤU
Theo laodong.vn
https://laodong.vn/thoi-su/dau-an-vo-van-kiet-o-xu-gao-1116992.
Bình luận