Dấu vết về sự có mặt của người Việt ở mũi Cà Mau qua việc vua Tự Đức có sắc phong cho ông Nguyễn Văn Đức, người có công quy dân, lập ấp đầu tiên ở vùng Viên An.
Ngày xưa, xã Viên An chỉ là xóm nhỏ ở rạch Cái Xép. Thời kì Lê Văn Khôi nổi loạn chống triều đình nhà Nguyễn, đánh chiếm thành Phiên An (Gia Định) và 6 tỉnh Nam Kỳ (năm 1833), bọn giặc cướp Chà Và (hải tặc Mã Lai), dân địa phương quen gọi là giặc Tàu Ô (tàu có buồm đen), thường theo sông Cửa Lớn đến vùng An Viên để cướp của cải và bắt đàn bà con gái. Nguyễn Văn Đức là người can trường, giỏi võ nghệ, đã quy tập tráng đinh trong vùng dẹp giặc cướp tại rạch Đốc Neo (Nhưn Miên). Từ đó, dân chúng tôn ông làm thủ lĩnh, nhiều tráng đinh theo ông về mở đất và lập nên làng Viên An. Khi ông mất, dân làng lập đền thờ ông như một tiền hiền khai khẩn và vua Tự Đức đã ban sắc phong thần. Sắc phong được Bảo tàng tỉnh Cà Mau ghi nhận.
Năm Căn nổi tiếng với rừng đước, cây mắm, cây giá, cá thòi lòi, con vọp, ba khía, ốc len,… do vùng này xen lẫn mặn - ngọt theo mùa. Rừng đước Năm Căn ngày xưa rất hùng vĩ, chiếm trên 80% diện tích tự nhiên của huyện Duyên Hải (gồm 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển ngày nay).
Làng nghề tôm khô ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn..
Gỗ đước ngày trước được khai thác chủ yếu để lấy than. Một tài liệu cũ cho biết, trước Cách mạng Tháng Tám (1945), than đước Cà Mau cung cấp 90% than đốt cho cả Nam Bộ. Theo sách “Cà Mau xưa” của tác giả Huỳnh Minh, trước năm 1960, vùng rừng đước Năm Căn có 838 lò than. Than đước có nhiệt lượng rất lớn, mỗi kí than đước cho đến 6.660 calo, gấp 2, 3 lần các loại than gỗ khác, chỉ sau than đá. Ngày xa xưa, địa điểm nằm bên bờ sông Cửa Lớn này xuất hiện 5 lò than đầu tiên, nên gọi là xóm Năm Căn, người trước truyền lại người sau, gọi mãi thành tên.
Ngoài rừng đước, Năm Căn còn có nhiều tôm, cua, cá, nhất là tôm, vì thời đó chỉ có tôm khô là có giá trị thương phẩm. Lúc bấy giờ dân khai thác tôm bằng cách đóng đáy. Cuối ngày, các chủ đáy hỏi nhau, hôm nay đáy anh kiếm được bao nhiêu? Người thì 5-7 chục kí; người hơn trăm kí. Tôm cá sau khi đem về được đổ trên mặt sàn rộng (thường nằm kề mép nước), gọi là liếp lựa. Trên liếp lựa người ta chỉ lựa bắt tôm thôi, còn cua thì để chúng tự do bò khỏi liếp, rơi rớt xuống nước, cá cũng bị gạt bỏ đi, thảng hoặc người ta mới bắt lại vài con cua gạch hay cá ngon, chủ yếu để làm mồi nhậu cho cánh đàn ông.
Còn tại bãi biển Rạch Tàu, người dân khai thác sò huyết (gọi là sạc sò) hết sức ngoạn mục. Người sạc sò ngồi trên một tấm ván, dùng chân đẩy nhẹ cho ván trượt đi trên mặt bùn. Cứ phát hiện một lỗ tròn trên bãi hay nghe tiếng cọ nhẹ dưới tấm ván, đưa tay lượm ngay một con sò, bỏ vào cái thùng gỗ trên ván. Bằng cách ấy, người lướt ván di chuyển trên bãi bùn, giống như trượt băng. Phương tiện thô sơ nhưng với tốc độ đáng ngạc nhiên, trong một buổi nước ròng, người sạc sò có thể di chuyển vài chục cây số.
Trên sông Cửa Lớn ngày trước người dân dùng lao để bắt cá dứa. Cá dứa là loại cá da trơn, mình trắng bạc, đuôi vàng lợt, có con nặng đến chục kí, thịt rất ngon. Cá dứa rất thích ăn trái mắm. Tháng 9, tháng 10 âm lịch vào mùa trái mắm rụng, trôi theo sông, cá dứa ăn no trái mắm nổi lên, trôi lờ đờ trên mặt nước. Người đi săn một tay cầm lao, một tay lách chèo, xuồng nhẹ nhàng nương theo nước. Mỗi lần ngọn xà búp phóng đi, người đánh cá kéo cọng dây dài nối với cây xà búp là thu về một con cá dứa.
Đã nói đến đặc sản của rừng ngập mặn Năm Căn, không thể bỏ qua món ba khía Rạch Gốc. Rạch Gốc nằm phía bờ biển Đông, cách mũi Cà Mau vài chục cây số. Cũng như hầu hết rừng đước, ở Rạch Gốc ba khía có quanh năm, nhưng hồi ấy người dân chỉ tập trung làm món ba khía muối vào mùa ba khía hội. Vào những đêm hội (cuối tháng 9 và 10 âm lịch), ba khía kéo nhau ra ven các sông rạch có dòng nước chảy đeo bám oằn cả thân cành các cây mắm, cây đước ven sông. Trên ghe, người đi bắt ba khía hội chuẩn bị sẵn lu, hũ có chứa nước muối hoà tan; sau khi bắt, ba khía được rửa sạch bằng nước sông và đổ ngay vào các lu, hũ, xem như cả việc khai thác và chế biến đều hoàn tất. Ba khía mùa hội đa phần là ba khía cái có nhiều gạch nên rất ngon.
Trước đây, vùng rừng Rạch Gốc có nhiều cây mắm đen, tháng 9, tháng 10 âm lịch là mùa trái mắm chín rụng. Lá và trái mắm đen tụ nhiều chất, nhất chất đạm, trong quá trình phân hủy, lá và trái mắm đen được các loài nấm tảo, các vi sinh vật kí sinh làm tăng lên từ 2 - 3 lần hàm lượng đạm, tạo nên nguồn thức ăn phong phú cho các loài thủy sản sống trên đất sa bồi ngập nước. Con ba khía Rạch Gốc thụ hưởng thứ tinh hoa này nên trở thành món ngon nổi tiếng.
Một thời, tôm khô Đất Mũi, than đước Năm Căn và ba khía Rạch Gốc có vai trò chỉ dẫn địa lí cho vùng rừng ngập mặn Cà Mau.
Trần Trọng Triết
Theo Ngaymoionline.com.vn
https://ngaymoionline.com.vn/dau-xua-o-dat-mui-38105.html
Bình luận