Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp
Tin Quốc Tế

Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp

Đồng Tháp sẽ đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao, sử dụng đất hợp lý để phát triển các loại cây trồng có lợi thế; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực có lợi thế.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu là địa phương có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 7 - 7,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%. Tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt 477.000 tỷ đồng.

Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp

Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,32%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đạt mức dưới 1,2%. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn: mầm non 75%, tiểu học 70%, trung học cơ sở 80%, trung học phổ thông 90%. Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 32 giường, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 12 người.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Tháp sẽ thay đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao, sử dụng đất hợp lý để phát triển các loại cây trồng có lợi thế; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực có lợi thế. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp đồng bộ, hiện đại; hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn quy mô lớn, chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với an toàn thực phẩm.

Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị ở Đồng Tháp (gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt). Từng bước phát triển chăn nuôi hướng tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao gắn với chế biến thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu. Kết hợp chăn nuôi với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển thủy sản, nhất là cá tra trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; áp dụng công nghệ cải tiến, hiện đại, nuôi hữu cơ, nuôi tuần hoàn, gắn với hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, bền vững. Quản lý, bảo vệ chặt chẽ, giữ vững tỷ lệ che phủ, khai thác hợp lý, phát triển bền vững tài nguyên rừng. Chú trọng công tác phát triển rừng, các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp.

Đồng Tháp nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, có tổng diện tích khoảng 3.374 km2. Phía Bắc giáp Cam-pu-chia, phía Nam giáp Vĩnh Long và Cần Thơ, phía Tây giáp An Giang, phía Đông giáp Long An và Tiền Giang . Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản được coi là thế mạnh của địa phương này.

Tình hình kinh tế-xã hội năm 2023, Đồng Tháp thực hiện vượt và đạt 19/22 chỉ tiêu của kế hoạch năm, trong đó có 7/22 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch. GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,31 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.151 tỷ đồng; tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,32%; có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế có 34/115 xã); tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 92%.

Năm 2024, Đồng Tháp phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 8%; GRDP/người đạt 76,56 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 9.096 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1.400 triệu USD; tỷ lệ lao động qua đào tạo 77,2%; giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở thành thị đạt 99,8% và nông thôn là 96,2%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 96%.

 

Theo nguồn PHƯƠNG ĐIỀN/Thiennhienmoitruong.vn

Link nguồn: https://thiennhienmoitruong.vn/doi-moi-tu-duy-trong-san-xuat-nong-nghiep-o-dong-thap.html 

Bình luận