Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp, đã và đang phát triển tích cực, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, góp phần giúp địa phương đã sớm đạt 109/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, từng bước hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhân rộng những mô hình điểm
Trong thời gian qua, một số mô hình nông nghiệp nổi bật, hiệu quả trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đã được tỉnh Đồng Tháp nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi” của hợp tác xã xoài Mỹ Xương với hình thức tổ chức bán hàng trên website, góp phần đưa thương hiệu “xoài Cao Lãnh” vươn xa.
Hay mô hình “Canh tác lúa thông minh” của hợp tác xã Mỹ Đông 2 thực hiện thí điểm trên diện tích 7,6 ha/5 hộ đã tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng lên 60 ha và được doanh nghiệp triển khai thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ… Bên cạnh đó, mô hình “Du lịch cộng đồng” tại homestay Tư Cá Linh (huyện Tam Nông); ngôi nhà Hoa - Ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà Hoa Hồng (thành phố Sa Đéc)… đã đưa du khách về với thiên nhiên, sinh hoạt gia đình như trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá và trải nghiệm cuộc sống nông thôn để du khách có những trải nghiệm thực tế về cuộc sống của người dân Đồng Tháp.
Nhiều năm qua, mô hình “Cánh đồng thông minh Mỹ Đông 2” ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã trở thành thương hiệu của Đồng Tháp bởi sự hiện đại, thông minh trong canh tác lúa, gắn với ứng dụng công nghệ số trên đồng ruộng.
Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông cho biết: Hiện HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 có gần 600ha, được xem là mô hình sản xuất lúa hiện đại nhất khu vực ĐBSCL với những tính năng vượt trội như: Điều khiển sản xuất bằng điện thoại thông minh để theo dõi sâu bệnh, phun thuốc, bón phân bằng Drone, điều khiển bơm tưới từ xa, cơ giới hóa toàn bộ các khâu thu hoạch lúa trên đồng...
Bên cạnh đó, ở Đồng Tháp còn có các Hội quán đã và đang góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù như xoài Cao Lãnh, xoài Cát chu Cao Lãnh, chanh Cao Lãnh, hoa kiểng Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung, làng khô, làng mắm…Chính từ mô hình hội quán, tỉnh Đồng Tháp đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án “Làng thông minh” giúp người nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.
Hay với cách nuôi ốc bươu đen thương phẩm và ốc giống trong ao nuôi kết hợp trồng bông súng đỏ của hộ ông Đặng Văn Dân tại ấp 4, xã Trường Xuân với diện tích 1,1ha đất lúa thả nuôi 250 ký ốc giống. Mỗi ngày dự kiến gia đình thu hoạch được 1-2kg trứng, bán với giá 300.00 đồng/kg.
Thời gian thu hoạch ốc kéo dài 5-6 tháng, lợi nhuận khoảng 50.000.000 đồng. Đồng thời, kết hợp trồng hoa súng ông đã bán với giá 3000 đồng/ bông. Thu lại lợi nhuận kép.
Ông Đăng Văn Dân cho biết: Mô hình nuôi ốc bươu đen là mô hình khá nhàn rỗi, không cần vốn nhiều, không đầu tư thức ăn nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập gia đình ổn định. Ngoài ra, ông còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều bà con ở Đồng Tháp nuôi ốc, nông dân có thể mua ốc giống và được tư vấn kỹ thuật miễn phí.
Những kết quả đạt được
Với những mô hình kinh tế nổi bật đã tạo sức bật cho tỉnh Đồng Tháp xây dựng nông thôn mới sớm về đích đạt nhiều kết quả khởi sắc.
Theo ông Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới: Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn NTM năm 2022; lũy kế toàn tỉnh có 109 xã đạt chuẩn NTM (đạt 94,78% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025); công nhận thêm 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng toàn tỉnh có 18 xã NTM nâng cao (đạt 52,9% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025).
Đến nay, có 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ NTM (TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và TP Hồng Ngự), 2 huyện Tháp Mười và Cao Lãnh đạt chuẩn NTM. Trong những tháng đầu năm, việc thực hiện chỉ tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chính vì vậy, nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác thế mạnh cây ăn trái, hoa kiểng, thủy sản và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 21.995 tỷ đồng, tăng 5,38% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 1.094 tỷ đồng). Tỉnh đã thành lập mới 6/7 hợp tác xã nông nghiệp, lũy kế đến nay có 18/35 hợp tác xã so với chỉ tiêu.
Công tác giảm nghèo, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,4%, từ 2,17% đầu năm xuống còn 1,77% theo chuẩn Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,3 lần so với cuối năm 2020...
Kết quả trong năm 2023 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) và công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực. Số xã đạt chuẩn NTM ngày càng tăng (tăng 06 xã so với năm 2022), xã NTM nâng cao tăng thêm 08 xã; các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành dự kiến đạt chuẩn NTM năm 2023 tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, tiêu chí; việc thực hiện Đề án TCCNN tiếp tục thực hiện theo hướng phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực, ngành hàng tiềm năng ngày càng hiệu quả, góp phần đưa tăng trưởng khu vực 01 (nông, lâm, thủy sản) đạt 5,38%; công tác giảm nghèo bền vững được tập trung thực hiện theo tiến độ. Lũy kế hiện có 109 xã/115 xã đạt chuẩn NTM.
Hiện nay, toàn tỉnh có 357 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, các sản phẩm này được kết nối đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản tại các điểm du lịch.
Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025, UBND tỉnh đã xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững và hoàn thành các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm... Theo đó thực hiện có hiệu quả mô hình thí điểm Làng thông minh làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát cộng đồng, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự xã, để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 90% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 30% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% xã NTM nâng cao đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM; chọn huyện Tháp Mười làm điểm, phấn đấu đến năm 2025 Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Việc triển khai thực hiện TCCNN gặp nhiều khó khăn như giá cả vật tư nông nghiệp cao, thị trường nông sản chưa ổn định,... Triển khai thực hiện liên kết trong chuỗi giá trị các ngành hàng hoa kiểng, chăn nuôi, trồng trọt,... chưa thật sự bền vững... Vì thế, trong năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu: Phấn đấu tăng trưởng khu vực nông - lâm - thuỷ sản đạt bình quân 5%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp đạt 41,8%. Thu nhập người dân nông thôn tăng 1,31 lần so với năm 2020. Thành lập mới ít nhất 7 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đối với các địa phương được công nhận nông thôn mới phải tiếp tục phấn đấu, cập nhật đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh quy định. Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay. |
Theo nguồn Vân Đinh/Langngheviet.com.vn
Link nguồn: https://langngheviet.com.vn/dong-thap-phat-huy-mo-hinh-kinh-te-tao-suc-bat-xay-dung-nong-thon-moi-29428.html
Bình luận