Theo thông báo từ Google vào ngày 11/2, trong tháng đầu năm 2025, hơn 8.000 ứng dụng độc hại đã được phát hiện tại Việt Nam. Điều này cho thấy các hình thức lừa đảo trực tuyến đang gia tăng mạnh mẽ và trở nên tinh vi hơn, đặc biệt khi kẻ xấu lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh lừa người dùng. Để bảo vệ người dùng, Google chỉ ra năm chiêu trò lừa đảo phổ biến tại Việt Nam và cung cấp khuyến nghị thiết thực giúp người dùng tránh bị lừa.
Ảnh minh họa
Lừa đảo mua sắm và đặt phòng du lịch trực tuyến
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và dịch vụ du lịch trực tuyến, các trang web giả mạo trở thành một phương tiện phổ biến cho nhiều phi vụ lừa đảo. Kẻ gian tạo ra website trông giống hệt những trang thương mại uy tín, rao bán sản phẩm hot hoặc vé sự kiện với mức giá "quá tốt để tin" để thu hút nạn nhân. Để tránh rơi vào bẫy này, người dùng cần kiểm tra cẩn thận đường link trang web, đặc biệt là việc sử dụng HTTPS – dấu hiệu giúp xác minh trang web có bảo mật hay không. Ngoài ra, việc tham khảo đánh giá từ khách hàng trước cũng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Một số trang mạng xã hội giả mạo cơ quan chức năng hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa. Nguồn: Trang thông tin Công an tỉnh Nghệ An
Lừa đảo đầu tư qua hình ảnh deepfake của người nổi tiếng
Trong thời đại công nghệ số, các kẻ lừa đảo không ngừng sáng tạo ra nhiều chiêu trò tinh vi, một trong số đó là lợi dụng AI để tạo ra video deepfake. Trong các video, hình ảnh và giọng nói của người nổi tiếng bị giả mạo để kêu gọi đầu tư vào các quỹ tài chính hoặc tiền điện tử cùng cam kết lợi nhuận "khủng". Những video này có thể trông rất thuyết phục, khiến người xem cảm thấy an tâm và tin tưởng. Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư vào bất kỳ loại hình tài chính nào, người dùng nên kiểm tra thông tin từ kênh chính thống và tham khảo ý kiến từ chuyên gia tài chính để tránh quyết định sai lầm.
Lợi dụng sự kiện lớn để lừa đảo
Các sự kiện thể thao, âm nhạc lớn hoặc thảm họa thiên nhiên luôn thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, và cũng là cơ hội lý tưởng cho kẻ gian trục lợi. Bằng cách giả mạo đơn vị tổ chức, chúng bán vé giả hoặc kêu gọi quyên góp từ thiện trái phép. Hình ảnh và video do AI tạo ra còn giúp tăng tính thuyết phục, khiến nạn nhân dễ dàng bị lừa. Để bảo vệ mình, người dùng chỉ mua vé qua kênh bán chính thức và kiểm tra kỹ thông tin tổ chức quyên góp từ thiện qua các cơ quan uy tín.
Lừa đảo việc làm
Những quảng cáo tuyển dụng việc làm "hấp dẫn" luôn là một "mồi nhử" dễ dàng cho các kẻ lừa đảo. Chúng giả mạo công ty lớn tạo thông tin tuyển dụng chuyên nghiệp và thậm chí tổ chức phỏng vấn trực tuyến. Mục tiêu của chúng là thu phí ứng tuyển, đánh cắp thông tin cá nhân hoặc dụ dỗ nạn nhân tham gia vào những hoạt động phi pháp. Người dùng nên lưu ý rằng các công ty uy tín sẽ không yêu cầu ứng viên trả bất kỳ khoản phí nào trong quá trình tuyển dụng. Trước khi gửi hồ sơ, hãy xác minh thông tin công ty qua trang web chính thức và nguồn tin đáng tin cậy.
Thông tin tuyển dụng lừa đảo lao động Việt Nam sang Úc làm việc. Nguồn: Đại sứ quán Úc tại Việt Nam
Giả mạo dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ xa
Lừa đảo thông qua dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ xa đang gia tăng và trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Kẻ gian giả danh nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của các công ty công nghệ hoặc ngân hàng, yêu cầu người dùng cài đặt phần mềm từ xa để "sửa lỗi bảo mật". Thực tế, khi người dùng làm theo, chúng có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị và đánh cắp thông tin nhạy cảm. Để bảo vệ bản thân, người dùng tuyệt đối không nên cấp quyền truy cập từ xa cho bất kỳ ai không quen biết. Nếu gặp sự cố, hãy liên hệ trực tiếp với trung tâm dịch vụ khách hàng của công ty để được hỗ trợ an toàn.
Viet Anh
Bình luận