Hà Nội, Thủ đô ta
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Hà Nội, Thủ đô ta
Tin Quốc Tế

Hà Nội, Thủ đô ta

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân đội ta trở về tiếp quản Thủ đô. Sáng 10/10/1954, bộ đội từ năm cửa ô tiến vào thành phố. Bài hát của cố nhạc sĩ Văn Cao vang lên khắp nơi: Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…

Cờ hoa chào đón ngày vui rực rỡ một góc trời. Nhạc sĩ Nguyễn Thành và nhà thơ Tạ Hữu Yên có nhạc phẩm: “Cảm xúc Tháng Mười Hà Nội”. Ca từ mở đầu: Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa Thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường…

Thăng Long - Hà Nội luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đây, hun đúc nên khí phách anh hùng, truyền từ đời này qua đời khác: Lý Thường Kiệt phá Tống; Hưng Đạo Vương ba lần đánh tan quân Nguyên Mông; Lê Lợi được Nguyễn Trãi giúp đỡ, chống quân Minh thắng lợi; Hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ), lãnh đạo quân dân, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, vào giải phóng Thăng Long…

Hà Nội, Thủ đô ta

Hà Nội - Đất rồng bay, nơi hội tụ, chắt lọc, kết tinh trí tuệ, văn hiến, tài sắc của mọi miền đất nước, từ đời này qua đời khác. Người Hà Nội sống có trước, có sau; lấy chữ tín làm trọng; khiêm tốn mà tự tin, bình dị mà kiêu sa; kín đáo mà đằm thắm; hào hoa mà sâu sắc, thân tình, lịch thiệp…

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

68 năm qua, Hà Nội không ngừng phát triển về mọi mặt. Ngày 29/5/2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và các tỉnh. Theo Nghị quyết, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được nhập về Hà Nội.

Từ diện tích gần 1.000 km2 và dân số khoảng 3,4 triệu người, nay Hà Nội có diện tích 3.324,92 km2 và dân số hơn 8 triệu người; nằm trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Hà Nội mở rộng có gần 5.000 di tích xưa, gắn với từng nhân vật lịch sử và thắng cảnh văn hóa, trong đó có 2.104 di tích đã được xếp hạng và hàng nghìn lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh những người có công với dân, với nước…

Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc lâu nhất so với những địa điểm các nơi khác. Đặc biệt, Người luôn quan tâm, mong muốn Hà Nội trở thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa; một thành phố gương mẫu, đầu tàu của cả nước. Đối với mọi tầng lớp Nhân dân, Bác đều dành thời gian gặp gỡ, động viên, thăm hỏi. Hơn 60 bài nói, bài viết của Hồ Chủ tịch dành cho đồng bào Thủ đô, thể hiện đậm đà, bản sắc văn hóa dân tộc; tấm lòng nhân ái mênh mông của vị lãnh tụ. Do đó, người đọc, người nghe đều phấn khởi, tin tưởng, nguyện phấn đấu làm theo những lời dạy bảo của Người.

Mục tiêu của Hà Nội từ nay đến năm 2025 là phát triển nhanh và bền vững, theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi Nhân dân có quyết tâm cao khi thực hiện.

Để khơi dậy nguồn nội lực và khả năng hội nhập, tiếp tục khẳng định tầm vóc và vị thế của Thủ đô, Hà Nội, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, với giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc; tôn trọng pháp luật kỉ cương, giàu lòng tự hào dân tộc; xứng tầm với thành phố “vì hòa bình”, danh hiệu UNESCO trao tặng. Hơn nữa, hoàn thành di nguyện của Bác Hồ kính yêu: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Mỗi người dân Việt Nam ai cũng có trong lòng một Hà Nội của riêng mình. Vì thế, dù đi xa Thủ đô lâu hay mau, khi trở về hay đến thăm, thường sững sờ trước sự đổi thay của thành phố. Và trong sâu thẳm của tâm hồn, ai nấy mãi mãi lưu giữ một Tràng An thanh lịch, một Hà Nội hào hoa, một Thủ đô văn hiến…

Nhà văn Chi Phan

Theo ngaymoionline.vn

https://ngaymoionline.com.vn/ha-noi-thu-do-ta-38128.html

 

 

Bình luận