Hậu Giang triển khai các giải pháp hạn chế sạt lở đất bờ sông
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Hậu Giang triển khai các giải pháp hạn chế sạt lở đất bờ sông
Tin Quốc Tế

Hậu Giang triển khai các giải pháp hạn chế sạt lở đất bờ sông

TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm khảo sát, đánh giá và có biện pháp phù hợp với tình hình sạt lở ở tỉnh; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu triển khai các biện pháp công trình và phi công trình phù hợp với từng địa phương.

TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm khảo sát, đánh giá và có biện pháp phù hợp với tình hình sạt lở ở tỉnh; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu triển khai các biện pháp công trình và phi công trình phù hợp với từng địa phương.

Tỉnh Hậu Giang có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc với hệ thống sông ngòi phong phú với 27 tuyến kênh cấp 1, tổng chiều dài gần 600 km; 226 tuyến kênh cấp 2, tổng chiều dài trên 1.300 km; 558 tuyến kênh cấp 3, tổng chiều dài trên 1.600 km. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hệ thống kênh, mương nội đồng chằng chịt.

Những năm gần đây dưới tác động của biến đổi khí hậu, cùng với các hình thái thời tiết cực đoan đã làm cho bờ sông bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô như hiện nay. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ năm 2010 đến nay, Hậu Giang có 468 điểm sạt lở đất bờ sông, chiều dài hơn 10 km, diện tích mất đất trên 61.000 m2.

Sạt lở kênh Mái Dầm, tại huyện Châu Thành, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương. 

Thống kê của ngành chức năng tỉnh cho thấy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 62 điểm sạt lở đất bờ sông, chiều dài sạt lở trên 1,5 km, diện tích mất đất trên 9.200 m2; chiều dài sạt lở và diện tích mất năm 2023 cao nhất trong các năm cho thấy sạt lở đất bờ sông ngày càng phức tạp và cần giải quyết gấp, ước thiệt hại 5,555 tỷ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2022 thì tăng 45 điểm sạt lở, chiều dài sạt lở tăng 1.069m, diện tích mất đất tăng 6.448m2, ước thiệt hại tăng 3,493 tỷ đồng. 

Trong đó, sạt lở đất bờ sông diễn ra nghiêm trọng tại huyện Châu Thành, từ đầu năm đến nay, toàn huyện xảy ra 36 điểm sạt lở bờ sông. Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Châu Thành, nguyên nhân chính xảy ra sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện là do ảnh hưởng dòng nước chảy. Theo đó, hầu hết các tuyến sông, kênh, rạch tại địa phương đều có nhiều ngã ba, ngã tư và cong vẹo; trong khi cao độ của thủy triều từ mặt lộ đến đáy sông là 3-4m. Chính vì vậy, khi thủy triều lên và xuống thì tạo ra áp lực nước rất cao do tác động dòng chảy và tạo những dòng xoáy vào bờ sông gây sạt lở. Ngoài những điểm đã sạt lở từ đầu năm đến nay thì toàn huyện Châu Thành hiện còn có khoảng 27 tuyến có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao.   

Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh, thời gian tới tốc độ dòng chảy tại các sông mạnh hơn, mưa đầu mùa với lượng tương đối lớn và tập trung, sinh dòng chảy mặt mạnh kết hợp với đất ở bờ sông, kênh đang tơi xốp, nứt, nẻ. Do đó, khả năng sạt, lở bờ sông, kênh, rạch với quy mô vừa và nhỏ ở mức độ cao, diễn biến phức tạp. Các địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở là huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy và huyện Châu Thành A. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông gây ra là nhiệm vụ cấp bách mà các địa phương trên địa bàn tỉnh cần triển khai. 

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, trước thực trạng sạt lở đất bờ sông gia tăng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh thì cần hạn chế xây dựng các tuyến đường ven sông, kênh; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân không xây dựng nhà ở ven sông, ven kênh, làm co hẹp dòng chảy dẫn đến hiện tượng tăng lưu tốc dòng chảy; xem xét giải pháp đầu tư các kè kiên cố tại những khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, tùy vào khu vực mà có quy mô kè khác nhau; đối với các tuyến kênh có mái dốc, kênh nhỏ, áp dụng giải pháp dời đê là hiệu quả nhất.

Ngoài ra, kè sinh thái là giải pháp hữu hiệu được áp dụng rộng rãi ở các khu vực ngoài đô thị giúp chống xói mòn đất và tăng tính ổn định bờ sông. Tùy khu vực có biên độ triều, cấp kênh khác nhau mà có phương án kỹ thuật phù hợp để phát huy hiệu quả cao nhất của kè sinh thái.

Kè sinh thái dọc tuyến sông huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: NDO. 

Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang đề nghị các địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, tổng hợp, theo dõi điểm xung yếu về sạt lở, cắm biển cảnh báo để người dân tránh xa khu vực nguy hiểm; vận động bà con di dời tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Khi phát hiện dấu hiệu xảy ra sạt lở (dòng nước xoáy sát bờ sông, rạch, hàm ếch, vết nứt sâu, dài hoặc có dấu hiệu sụt lún...), người dân cần chủ động thông báo với chính quyền địa phương.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan của địa phương thực hiện cắm biển cảnh báo tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao gắn với tuyên truyền, vận động để người dân biết và cùng với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm hạn chế xảy ra sạt lở.

Trong đó, đối với những điểm có nguy cơ sạt lở cao thì người dân không nên xây dựng nhà, đồng thời chủ động đốn những cây cổ thụ nằm cặp mé sông để hạn chế tải trọng cho mé kênh, sông, rạch. Mặt khác, nông dân có thể tận dụng những vật dụng sẵn có ở địa phương để làm rào chắn gắn với nuôi giữ lục bình hoặc làm bờ kè sinh thái bằng việc trồng cây xanh như tràm, bần… nhằm hạn chế sóng tàu, ghe đi ngang đánh vào bờ gây sạt lở.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang đề xuất UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí quỹ đất để đầu tư các cụm, tuyến dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao, ổn định đời sống cho người dân. Cùng với đó là quản lý chặt việc sử dụng đất, xây dựng công trình ven sông, kênh rạch, tránh làm gia tăng tải trọng lên mái bờ kênh. Các địa phương cần cập nhật thường xuyên hiện trạng sạt lở trên địa bàn và cung cấp thông tin kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; theo dõi, cập nhật đầy đủ các vị trí sạt lở của địa phương tại bản đồ sạt lở trực tuyến.

Nằm ở hạ lưu sông Mekong, những năm qua, tỉnh Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung đang xảy ra tình trạng sạt lở khá nghiêm trọng, gây thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Hiện trạng sạt lở ở Hậu Giang diễn ra với nhiều mức độ, từ xói mòn nhẹ đến sạt lở tổng thể rất nghiêm trọng. Sạt lở thường xảy ra với các dạng như: trượt khối lớn, mái bờ mất ổn định; xói mòn, xói hàm ếch; xói ngầm;... 

Lê Ma

Theo thiennhienmoitruong.vn

https://thiennhienmoitruong.vn/hau-giang-trien-khai-cac-giai-phap-han-che-sat-lo-dat-bo-song.html

Bình luận