Hệ giá trị của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam
  • Home/
  • Văn hóa /
  • Hệ giá trị của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam
Văn hóa

Hệ giá trị của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam

Giá trị cũng như tập quán, chuẩn mực, tri thức… đều là sản phẩm của quá trình tư duy, sản xuất tinh thần của con người, nó là yếu tố cốt lõi nhất của văn hóa. Giá trị văn hóa là một hình thức của giá trị xã hội, gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội.

Chương trình nghệ thuật trong sự kiện khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tháng 11.2022. Ảnh: Hải Nguyễn

Giá trị là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về bất cứ hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái đó là những cái được coi là chân, thiện, mỹ. Giá trị văn hóa do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, hệ giá trị văn hóa đóng vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - khẳng định, giá trị văn hóa là một hình thức của giá trị xã hội, gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội. Giá trị văn hóa do con người ở mỗi xã hội nhất định sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi hệ giá trị văn hóa đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong xã hội ấy.
Hệ giá trị của các dân tộc
Mỗi quốc gia, châu lục tùy vào đặc thù lịch sử, địa lý… đều có những hệ giá trị riêng. Trong cuốn sách Hệ giá trị văn hóa Việt Nam, cố GS Ngô Đức Thịnh từng cho biết, Trung Hoa cổ đại từ sớm đã định hình nên bảng giá trị về những điều mong muốn của con người là “Ngũ phúc”, bao gồm: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Về nhân cách của con người thì quy về “Ngũ thường”, đó là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Hệ giá trị này đã có những tác động to lớn đến các dân tộc Đông Á và Đông Nam Á.
Hệ giá trị truyền thống Nhật Bản truyền thống gồm: Đoàn kết; Kỷ luật; Nhẫn nại; Trung thành; Trách nhiệm; Lịch sự; Tự chủ; Tránh làm phiền người khác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Nhật Bản xác định 5 giá trị cốt lõi để hội nhập quốc tế là: Cộng sinh, cộng tồn; Biết điều chỉnh bản thân; Tư duy độc lập; Biết sáng tạo cái mới; Tôn trọng sự khác biệt.
Theo TS Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hệ giá trị của Singapore gồm 5 giá trị: Dân tộc trước cộng đồng, xã hội trên cá nhân; Gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội; Hỗ trợ cộng đồng và tôn trọng cá nhân; Đồng thuận, không xung đột; Hòa hợp chủng tộc và tôn giáo. Malaysia xác định 5 nguyên tắc quốc gia gồm: Tin vào Thượng đế; Trung thành với nhà vua và đất nước; Tuân thủ hiến pháp; Cai trị bằng pháp luật; Hành vi tốt, đạo đức tốt.
Với các nước phương Tây, hệ giá trị cũng có sự khác nhau giữa các quốc gia. Trong văn hóa Hy La cổ đại hệ giá trị là Chân, Thiện, Mỹ; trong cách mạng tư sản Pháp các giá trị Tự do, Bình đẳng, Bắc ái được đề cao.
Riêng với Hoa Kỳ có nhiều ý kiến khác nhau về hệ giá trị của nước này, tuy nhiên các ý kiến đó có thể tựu chung lại gồm đặc điểm sau: Sự thành đạt; Phù hợp với ngoại cảnh; Dân chủ; Hoạt động và có công việc; Hướng về đạo đức; Nhân đạo; Tính hiệu quả và tính thực tế; Tiến bộ; Tiện nghi vật chất; Bình đẳng; Tự do; Khoa học và tinh thần hợp lý thế tục; Tinh thần dân tộc và yêu nước; Nhân cách cá nhân; Sự phân biệt chủng tộc và các đề tài về siêu tự nhiên.
Giá trị văn hóa Việt Nam
Ở nước ta hệ giá trị văn hóa từ lâu cũng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, vào những năm 1980 GS Trần Văn Giàu đã đưa ra bảng giá trị của dân tộc gồm 7 giá trị mang tính tổng quát nhất, đó là: Yêu nước; Cần cù; Anh hùng; Sáng tạo; Lạc quan; Thương người; Vì nghĩa.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định 5 đức tính cần xây dựng gồm: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Tiếp đó Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI cũng nhấn mạnh, trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước; Nhân ái; Nghĩa tình; Trung thực; Đoàn kết; Cần cù; Sáng tạo.
Hiện nay, hệ giá trị dân tộc cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đó là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc. Tổng Bí thư cho rằng, cần phải kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại, đó là: Yêu nước; Đoàn kết; Tự cường; Nghĩa tình; Trung thực; Trách nhiệm; Kỷ cương; Sáng tạo.
Như vậy, hệ giá trị nói chung và giá trị văn hóa nói riêng đều là một hình thái của đời sống tinh thần, được phản ánh và kết tinh đời sống văn hóa của con người, giúp điều tiết hành vi và định hướng sự phát triển tới chân - thiện - mỹ, góp phần tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của các quốc gia - dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mỗi dân tộc dựa vào điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa đều có những hệ giá trị quốc gia đặc trưng, những giá trị đó góp phần định vị bản sắc và nâng cao hình ảnh của chủ thể sở hữu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. 
Năm 2012, Ủy ban Châu Âu đưa ra 5 giá trị được người dân Châu Âu đề cao là: Hòa bình; Dân chủ; Nhân quyền; Tuân thủ pháp luật; Tinh thần đoàn kết.
Ở Châu Á, các giá trị nổi bật được xác định là: Đề cao đức tính cần cù, yêu lao động; Đề cao giá trị hiếu học; Đề cao giá trị gia đình, huyết tộc; Đề cao giá trị cộng đồng, trách nhiệm xã hội.
LÝ VIẾT TRƯỜNG
Theo laodong.vn
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/he-gia-tri-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-va-viet-nam-1125829.ldo

Bình luận