TMO - Để bảo đảm tăng trưởng của ngành chăn nuôi cần tiếp tục phát triển và mở rộng các vùng nguyên liệu làm thức ăn xanh, trong đó ngô sinh khối được xác định là cây trồng quan trọng. Việc liên kết sản xuất sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong mô hình này.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020), tổng nhu cầu ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc của nước ta là 27,6 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp đựơc khoảng 70%, còn lại mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn). Việt Nam sẽ tiếp tục trồng ngô sinh khối, tập trung chế biến 1,5 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp để chuyển làm thức ăn cho gia súc, từ đó có thể tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm.
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tổ chức lại sản xuất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Từ năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối theo hình thức liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để chế biến, xuất khẩu.
Theo tính toán, 1 ha ngô lấy thân lá được canh tác trong khoảng thời gian 75-80 ngày cho năng suất từ 45 -50 tấn/ha/vụ, với giá bán trung bình 0,8 triệu đồng/tấn, nông dân thu về khoảng 35 - 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 15 - 20 triệu đồng/ha/vụ, so với sản xuất ngô hạt truyền thống trồng ngô sinh khối cho tổng thu cao hơn 12 triệu đồng/ha. Ngô sinh khối trồng được 3 vụ/năm; trong đó, vụ Đông là vụ có tiềm năng mở rộng diện tích do có quỹ đất phát triển, đặc biệt trên đất lúa 2 vụ và nhu cầu thức ăn thô xanh dự trữ cho gia súc trong mùa đông.
Thu hoạch ngô sinh khối ngay tại ruộng tại HTX trên địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: MT.
Phú Thọ có tiềm năng rất lớn để phát triển liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngô sinh khối. Với diện tích khoảng 16 - 17 nghìn ha ngô hàng năm có thể chuyển sang liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, trong đó diện tích đất để sản xuất ngô Đông khoảng 8.000-10.000ha. Liên kết trồng ngô sinh khối trở thành hướng đi mới, giúp nhiều nông dân ở Phú Thọ không phải lo đầu ra, còn doanh nghiệp yên tâm, đảm bảo nguyên liệu thức ăn chăn gia súc quanh năm. Với đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định, nên các HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ yên tâm mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các gia súc ăn cỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều địa phương đã khuyến khích người dân liên kết với HTX, doanh nghiệp phát triển diện tích trồng ngô sinh khối cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, diện tích trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc trên địa bàn tỉnh đã phát triển được hơn 2.000 ha, chủ yếu ở các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy...
Một số địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô hạt năng suất thấp sang trồng ngô sinh khối hoặc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi gia súc. Đồng thời, tuyên truyền để người dân thấy rõ hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi trồng ngô dày sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc. Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn bắp ngô chín sáp sẽ bảo đảm độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi. Toàn bộ cây ngô (thân, lá, bắp) thường được băm hoặc xay nhỏ để gia súc ăn trực tiếp, hoặc ủ chua, viên nén... người dân xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy) chủ yếu trồng ngô lấy hạt nên hiệu quả kinh tế chỉ đạt 35 - 40 triệu đồng/ha/năm.
Từ năm 2016, HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy lợi trên địa bàn thực hiện liên kết sản xuất cây ngô sinh khối làm thức ăn cho bò sữa với công ty Thông qua liên kết sản xuất, người dân không phải lo tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, số vụ sản xuất tăng, hiệu quả kinh tế cao. Thời gian trồng ngô sinh khối từ 75 - 85 ngày và có thể trồng được nhiều vụ/năm, lại ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được công chăm sóc, chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường. Theo tính toán, 1 ha ngô sinh khối lợi nhuận đạt 20 - 25 triệu đồng/vụ.
Một số địa phương tại Quảng Trị, chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: AN.
Tại tỉnh Quảng Trị, hằng năm địa phương này có gần 2.000 ha đất lúa không đủ nước tưới nên cây sinh trưởng kém, năng suất thấp, sâu bệnh gây hại nhiều dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Theo đó, mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước đã mang lại hiệu quả cao, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị thoát nghèo bền vững.
Tại xã Phong Bình và xã Linh Trường, huyện Gio Linh, mô hình được triển khai với 70 hộ tham gia trên diện tích 10 ha (mỗi điểm 5 ha), sử dụng giống ngô biến đổi gen NK7328 BT/GT có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp gieo trồng trên đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu. Năng suất trồng ngô sinh khối ở xã Phong Bình đạt 65 tấn/ha, còn ở xã Linh Trường do một số yếu tố bất lợi, năng suất đạt 55 tấn/ha. Khi nông dân thu hoạch, đơn vị liên kết sản xuất thu mua toàn bộ sản lượng ngô sinh khối nguyên cây, nguyên bắp tại ruộng. Theo tính toán, sau 3 tháng trồng, chăm sóc, trừ tất cả chi phí, mỗi ha ngô sinh khối nông dân lãi từ 15 - 25 triệu đồng...
Thu Hương
Theo thiennhienmoitruong.vn
https://tinnongtoday.vn/nghien-cuu-thi-diem-xay-dung-mo-hinh-cua-khau-thong-minh.html
Bình luận