Theo báo cáo nghiên cứu gần đây từ các chuyên gia, Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể đang nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương, khu vực ở Trung Quốc liên quan đến lao động cưỡng bức.
Rủi ro từ việc nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương
Đó là nhận định từ báo cáo “Tác dụng phụ Những tác động về nhân quyền của các mối liên kết chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu với XUAR” (Side Effects The Human Rights Implications of Global Pharmaceutical Supply Chain Linkages to XUAR) do các chuyên gia C4ADS công bố ngày 8/10. C4ADS là tổ chức phi lợi nhuận trụ sở ở Washington, D.C chuyên thông tin về các mạng lưới bất hợp pháp đe dọa an ninh toàn cầu.
Trong báo cáo, chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đã có nhiều hành động đàn áp người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và người Turk (Thổ) tại Tân Cương (Xinjiang hay XUAR) qua hình thức cưỡng bức ép buộc lao động, giam giữ và đồng hóa. Những vi phạm này làm quốc tế phẫn nộ, dẫn đến việc Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Phòng ngừa Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Forced Labor Prevention Act, viết tắt: UFLPA) nhằm ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm liên quan đến XUAR. Ngoài Washington, D.C, Mexico và Canada cũng ban hành luật chống lao động cưỡng bức, trong khi Liên minh Châu Âu sẽ áp dụng lệnh cấm lao động cưỡng bức vào năm 2024.
Hoa Kỳ nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh cưỡng bức người lao động ở khu vực Tân Cương (Nguồn: U.S. Department of Labor)
Tuy nhiên, C4ADS cho rằng, sự phức tạp trong chuỗi cung ứng cũng như khó khăn về thực thi chính sách vẫn cho phép Bắc Kinh có thể né tránh các hạn chế. Mặc dù Trung Quốc là nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu cũng như là thị trường lớn thứ hai thế giới (sau Hoa Kỳ), việc phân tích nguồn gốc một số mặt hàng dược liệu có nguồn gốc từ XUAR hay không vẫn đang là thách thức. Không chỉ ảnh hưởng đến lao động cưỡng bức, C4ADS cảnh báo, sản phẩm dược được sản xuất từ khu vực này còn tạo ra rủi ro cho cơ quan Chính phủ và người tiêu dùng các nước.
Cụ thể, theo lập luận của chuyên gia, lao động cưỡng bức cung cấp lợi thế thương mại không công bằng cho các thực thể bóc lột người yếu thế, dẫn đến khó kiểm soát về tuân thủ quy định. Để giải quyết vấn đề này, C4ADS khuyến nghị các bên liên quan trong khu vực công lẫn tư nhân cần phối hợp, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm từ những thực thể gây rủi ro, tức ám chỉ thị trường Bắc Kinh.
Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể đang nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương
Một điểm đáng chú ý khác trong báo của của tổ chức nghiên cứu an ninh toàn cầu có trụ sở ở Washington, D.C là dẫn chứng cho biết, nguồn dược từ XUAR và các công ty liên kết với XUAR đang được phân phối cho nhiều cơ quan Chính phủ hàng đầu. Bao gồm: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration, viết tắt: FDA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (U.S. Agency for International Development, viết tắt: USAID) thông qua nhà thầu Chemonics International và Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế (Pharmaceutical and Medical Devices Agency) Nhật Bản.
Báo cáo từ các chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể đang nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương (Nguồn: C4ADS)
Ngoài ra, C4ADS cũng quan ngại, thế giới đang phụ thuộc nhiều sản phẩm dược phẩm quan trọng được phân phối từ các nhà sản xuất có trụ sở tại XUAR. Tân Cương là nơi đặt cơ sở sản xuất lớn thứ tư của Sinopharm (中药集团有限公司) - Công ty dược phẩm lớn nhất Bắc Kinh. Trong khi đó, Xinjiang Deyuan Bioengineering (新疆德源生物工程有限公司) có trụ sở tại XUAR cũng là một trong 10 nhà sản xuất thuốc có nguồn gốc từ huyết tương hàng đầu đất nước tỷ dân; Xinjiang Nuziline Bio-Pharmaceutical (新疆新姿源生物制药有限责任公司) - doanh nghiệp sản xuất 1/4 lượng estrogen PMU (chiết xuất nước tiểu ngựa mang thai) thế giới, cũng là công ty duy nhất được cấp phép ở Trung Quốc sản xuất viên và kem estrogen liên hợp. Lượng lớn thuốc y học cổ truyền được sản xuất ở này cũng được cho có nguồn gốc từ vùng XUAR.
Huy Niel
Bình luận