TMO - Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, chế biến chính là một trong những biện pháp hữu hiệu đã và đang được các chủ thể sản xuất, doanh nghiệp, HTX sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá về công nghệ, tích hợp và kết nối internet đang diễn ra mạnh mẽ. Đây vừa là thách thức và cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Những năm qua, nhờ ứng dụng KHCN trong sản xuất, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hưng Yên đã đạt được kết quả nổi bật. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 199 sản phẩm OCOP, trong đó có 157 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Từ đó, tăng cường đầu tư công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm đạt chất lượng cao. Cùng với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, hiện còn có nhiều sản phẩm khác được thị trường ưa chuộng, đang được chuẩn bị hồ sơ, đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng trong thời gian tới.
Địa phương này hỗ trợ máy móc, thiết bị, hạ tầng cho các mô hình phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP.
Nhằm thúc đẩy, khuyến khích các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm... giai đoạn 2018 – 2022, tỉnh đã hỗ trợ máy móc, thiết bị, hạ tầng cho 15 mô hình phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP. Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn này đạt hơn 2.753 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp và qua các đề án, dự án do tỉnh triển khai thực hiện trên 26 tỷ đồng; còn lại là kinh phí từ các chủ thể đầu tư mua sắm máy, thiết bị, hạ tầng giao thông, ứng dụng khoa học kỹ thuật, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa.
Bên cạnh đó, để khuyến khích các chủ thể sản xuất mở rộng quy mô phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ. Trong đó, thực hiện hỗ trợ 15 mô hình phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP cho chủ thể sản xuất về máy móc, thiết bị, hạ tầng. Hỗ trợ thành lập mới 167 HTX nông nghiệp, thành lập mới 128 tổ hợp tác nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng 4 mô hình HTX phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ xây dựng 7 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các chủ thể sản xuất về tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm, ứng dụng marketing trực tuyến. Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 31 sản phẩm chủ lực, đặc thù.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế, sản phẩm OCOP chủ yếu là sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao. Quy trình và công nghệ chế biến một số sản phẩm còn đơn giản, chưa bảo đảm đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp…
Trước thực tế này, việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh cần được chú trọng. Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và tổ chức tập huấn chuyển giao hướng dẫn các chủ thể, nông dân áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn trước hết là công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, nhất là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã nông nghiệp để từng bước tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Địa phương này xác định, Chương trình OCOP là một chính sách trọng tâm, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, để thúc đẩy hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia chương trình có hiệu quả hơn, đồng thời để sản phẩm OCOP của Hưng Yên tiếp tục được lan tỏa và vươn xa khắp thị trường trong nước và quốc tế, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên; đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số; kỹ năng bán hàng online, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Khuyến khích các chủ thể sản xuất tăng cường sử dụng phần mềm để số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng dụng tự động hoá các hoạt động trong chuỗi giá trị thực phẩm nông sản, từng bước đầu tư các thiết bị thông minh, tự động như các thiết bị cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, máy bay không người lái, robot…; phấn đấu 100% chủ thể sản xuất có sản phẩm OCOP được công nhận được đào tạo kỹ thuật số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử...
Thu Hồng
Theo thiennhienmoitruong.vn
https://thiennhienmoitruong.vn/khoa-hoc-cong-nghe-gop-phan-nang-cao-chat-luong-san-pham-ocop.html
Bình luận