“Pleiku tôi có một người/Biệt tài chữa bỏng nơi nơi cậy nhờ/Em tôi chữa bỏng lâu rồi/Tay tiên thần dược cứu người đớn đau…” Nhà thơ Vĩ Đà đã viết nên những câu thơ xúc động, ấn tượng này trong bài thơ “Người vá niềm vui” nhân dịp lên thăm phố núi, nơi người lương y Nguyễn Thị Hoàng Anh hành nghề chữa bỏng hơn 40 năm. Không một bảng hiệu hay dòng quảng cáo nhưng chỉ cần đến Pleiku (Gia Lai) và hỏi về người thầy chữa bỏng Hoàng Anh, thì chắc chắn không ai không biết lương y đã cứu hàng ngàn bệnh nhân với bài thuốc “thần dược” và cái tâm tận tụy yêu nghề.
Đến với nghề như một cái duyên
Nữ “thần y” Nguyễn Thị Hoàng Anh còn biết đến với cái tên thân thương Dạ Đàm, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng cô vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn và rất minh mẫn. Gương mặt phúc hậu luôn nở nụ cười hiền dịu và giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm, cô bắt đầu kể về con đường đến với nghề chữa trị cho những bệnh nhân không may bị bỏng khi sự sống chỉ còn trong gang tấc.
Xuất thân trong một gia đình đông con trên mảnh đất Quảng Ngãi đầy đau thương với những vết tích của chiến tranh, Hoàng Anh cũng như những đứa trẻ khác không đủ điều kiện học hành, phải bương chải cùng gia đình để kiếm sống. Chật vật ngần ấy năm nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh thiếu thốn từng miếng ăn cái mặc, cô Hoàng Anh cùng chồng quyết định di cư lên vùng Tây Nguyên phố núi đại ngàn lập nghiệp với mong muốn thoát khỏi cơ cực. Hành trang mang đi không gì ngoài bài thuốc trị bỏng gia truyền từ đời cha ông. Trong gia đình không mấy ai học được “thần dược” này nhưng với lòng kiên trì, chịu khó cùng cơ duyên với nghề y, cô Hoàng Anh đã nghiên cứu, cố gắng điều chế, phát triển thêm và đã tạo ra bài thuốc chữa bỏng hiệu quả như ngày nay.
Kết hợp với bài thuốc gia truyền là “bàn tay vàng” cùng tấm lòng nhân hậu, không ít bệnh nhân tìm đến với vết thương trầm trọng và vui vẻ rời đi khi da đã lành lặn. Những người khỏi bệnh đánh giá cô Hoàng Anh rất “mát tay” trong việc trị bỏng và dành cho cô sự cảm phục, kính nể, lòng biết ơn sâu sắc. Cô như người đã thắp sáng hi vọng tưởng chừng đã bị dập tắt bởi lửa cho những ai đang đau đớn trước làn da co quéo vì tai nạn.
Tiếng tăm cô Hoàng Anh bắt đầu lan truyền khắp phố núi, hàng ngàn bệnh nhân khác tìm về đều được cô chữa trị thành công. Từ đó, “tiếng lành đồn xa”, người lương y với bài thuốc kỳ diệu cùng cái tâm đầy lòng nhân hậu được bệnh nhân khắp mọi miền tổ quốc biết đến, có những người từ khu vực biên giới Campuchia cũng tìm về cô dù với hi vọng mong manh nhất.
“Người vá niềm vui”
Căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp trong con hẻm số 29/9 đường Phan Bội Châu, thành phố Pleiku, Gia Lai đã quá đỗi quen thuộc với hình ảnh bệnh nhân tấp nập tìm đến mỗi ngày. Bất cứ bệnh nhân nào nhờ chữa trị, cô Hoàng Anh đều nhiệt tình cứu giúp không phân biệt hoàn cảnh gia đình. Mỗi khi nghe tin có người cầu cứu, không quản mùa đông giá lạnh hay đêm khuya khoắt, cô đều quyết tâm vượt hàng chục cây số, băng rừng xuống các huyện vùng sâu vùng xa cứu người.
Từ phụ nữ mang thai, trẻ em đến thanh thiếu niên không may bị bỏng qua bàn tay của lương y Hoàng Anh đều dần dần lành lặn. Phải kể đến ca bỏng tập thể như 28 công nhân bị bỏng ở Công ty Hóa chất Ôlam ở Trà Đa, TP. Pleiku(năm 2007), 6 bệnh nhân đang ăn lẩu tại một nhà hàng ở Pleiku bị nổ bình ga, những ca bỏng đến 70% hay ca quá nặng bệnh viện trả về… Theo đánh giá, bỏng quá 60-70% rất khó qua khỏi, vậy mà chỉ nửa tháng sau, bệnh nhân đã phục hồi một cách kì diệu, đặc biệt vết bỏng không để lại sẹo.
Để có được “thần dược” quý hiếm, ngoài thời gian điều trị cho bệnh nhân, cô còn tranh thủ vào rừng kiếm lá cây, vỏ cây và lông thú… Bài thuốc thần dược, tái sinh làn da được nghiên cứu, báo chế rất công phu từ những loại rễ cây thuốc quý hiếm, được khử trùng, làm sạch, sau đó nấu thành một dung dịch đặc sánh. Loại dung dịch này chống nhiễm trùng, êm dịu vết thương, tái tạo da, không để lại sẹo. Ngoài ra bài thuốc của cô còn chữa thêm một số bệnh như nấm móng, eczema, xóa sẹo, thủy đậu…
Chia sẻ về niềm vui với nghề, cô Hoàng Anh cho biết việc cứu người luôn được đặt lên hàng đầu. Khi chứng kiến bệnh nhân đau đớn, bản thân cô cũng xót xa trong lòng, vì vậy phải tự nhủ mình cố gắng hết sức. Nhìn ánh mắt của người nhà bệnh nhân từ lo lắng, tuyệt vọng đến vui mừng ngấn lệ, đây chính là món quà vô giá mà cô nhận được trong “sự nghiệp cứu người”. Với cô, không gì vui hơn bằng việc chứng kiến bệnh nhân hồi phục, lấy lại nét tự nhiên vốn có, dần tự tin hơn trong cuộc sống. Đến nay, thỉnh thoảng vẫn có những bệnh nhân cũ quay về thăm cô, mặc dù không nhớ rõ từng người nhưng khi nghe chia sẻ về những thay đổi sau khi lành lặn khiến cô cảm thấy trong lòng dâng lên cảm xúc lâng lâng hạnh phúc.
Hiện nay, cô Hoàng Anh đã dời đến ngôi nhà mới tại địa chỉ số 26 Nguyễn Du, phường Tây Sơn, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai để thuận tiện cho các bệnh nhân tìm đến chữa trị. Vẫn những dụng cụ đơn giản, lương y Hoàng Anh tiếp tục sự nghiệp cứu người, hằng ngày băng vá những vết thương cũng như hàn gắn niềm vui cho hàng ngàn mảnh đời không may mắn.
Bình luận