Mấy năm gần đây, được tham gia làm giám khảo cuộc thi vẽ tranh “Chiếc ôtô mơ ước” do Toyota sản xuất có thể thấy số lượng trẻ thích vẽ đông khủng khiếp, năm cao điểm là 7 tấn tranh, còn như năm nay cũng trên 4 tấn tranh. Mà cân thử 1kg được khoảng 110 tranh cả bo và không bo, như thế tính sơ sơ trên 4 tấn là trên 400.000 tranh - một con số đáng mơ ước với bất cứ cuộc thi nào.
Một bức tranh tại triển lãm tranh thiếu nhi Hải Phòng. Ảnh minh họa: Mai Dung
Và thực tế trong số khoảng 80 nước tham dự cuộc thi quốc tế ở Nhật, Việt Nam là nước có số lượng dự thi cao nhất. Từ trên 400.000 tranh, Ban giám khảo chọn ra 150 bức trao giải, trong đó có 60 giải cao (Nhất, Nhì, Ba) theo ba nhóm tuổi. Và từ các giải cao sẽ chọn ra 9 bức tranh dự thi ở Nhật.
Một số năm trước, các em thiếu nhi Việt Nam đã từng đoạt các giải cao, trong đó có giải Nhất cuộc thi ở Nhật. Nhưng vài năm gần đây, trẻ em Việt không đoạt được giải nào. Vấn đề nằm ở đâu?
Tiêu chí chấm tranh ở cuộc thi ở đây rất rõ ràng không phải đặt tính nghệ thuật vẽ lên hàng đầu mà đầu tiên là thông điệp, ý tưởng của tranh. Như một bức tranh đoạt giải quốc tế năm 2021 của em Galalcha (13 tuổi của Sierra Leone) mang tên “Chiếc xe sửa lỗi cho trái tim” nét vẽ cực kỳ đơn giản, không khó và thậm chí nếu thi ở ta có thể bị loại vì kỹ thuật vẽ chưa hay, nhưng thông điệp của tranh rất hay. Galalcha mơ ước một chiếc xe có thể sửa chữa những trái tim bị ghét và tan vỡ, làm cho họ hạnh phúc và đáng yêu.
Trở lại cuộc thi vẽ tranh Toyota ở ta, khá nhiều bức tranh rất đẹp nhưng lại không mang chất hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ mà lại bị người lớn (ở đây có thể là giáo viên trực tiếp hướng dẫn hay người thân trong gia đình bé) can thiệp quá rõ ràng. Một thành viên giám khảo cũng là cô giáo dạy vẽ khi xem một số bức tranh đã phải thốt lên: nếu trẻ em vẽ như thế này thì giáo viên phải đi tập huấn lại, còn một giám đốc sáng tạo thì cười bảo: Nếu có cuộc thi vẽ cho thày cô giáo hay cho người lớn thì gửi những bức này.
Vì kỹ thuật vẽ quá “khôn” với trẻ từ cách tạo bóng đổ, từ cách phối màu cho đến ý tưởng “vĩ mô” kiểu như chiếc xe đưa người về miền cực lạc, xe đưa người vào tam quy ngũ giới của nhà Phật… Dĩ nhiên những bức tranh này đều bị loại bỏ.
Chỉ có những bức vẽ mang ý tưởng nhân văn, độc đáo, ngộ nghĩnh và dĩ nhiên vẽ đẹp theo ngôn ngữ màu sắc của trẻ mới có thể được chọn vào giải.
VIỆT VĂN
Theo laodong.vn
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-lon-cho-can-thiep-tho-bao-vao-net-co-cua-tre-1136651.ldo
Bình luận