Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh doanh N2O
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh doanh N2O
Tin Quốc Tế

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh doanh N2O

 Là một trong những tác nhân gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu và suy giảm tầng ozone, khí N2O hiện thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu N2O liệu có đang kinh doanh, phân phối đúng mục đích theo quy định? 

Theo Luật Hóa chất 2007 và Phụ lục II Nghị định 113/2017/NĐ-CP, khí N2O thuộc danh mục hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương. Hiện nay, khí N2O thường được ứng dụng trong công nghiệp bán dẫn nhằm tạo hỗn hợp khí hiệu chuẩn cho các ngành công nghiệp hóa dầu, sản xuất nito lỏng, đóng gói và bảo quản thực phẩm.

Khi thải ra môi trường, N2O cũng là tác nhân làm thủng tầng ozone trong bầu khí quyển, qua đó dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Với những tác động tiêu cực trên, việc giảm phát thải N2O đã và đang là mục tiêu được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, hướng đến. 

Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N20, Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo, Bộ Công Thương cũng đề nghị nghiên cứu, sửa đổi quy định nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N2O. Tuy nhiên vẫn có doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu khí N2O từ nước ngoài và kinh doanh không đúng quy định. Điển hình phải kể đến Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hải Đăng Nguyễn (Công ty Hải Đăng Nguyễn) trụ sở tại Tổ 33, khu phố Phước Kiểng, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Vào ngày 31/5/2022, doanh nghiệp này bị Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai lập biên bản xử lý vì xây dựng nhà kho phía trên đất trồng lúa; chưa có chấp thuận về chủ trương đầu tư, thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC, bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền; chất lượng nhà xưởng, bồn chứa chưa đáp ứng điều kiện về mặt hóa chất. Trước khi bị xử phạt, Công ty Hải Đăng Nguyễn có nhà xưởng chiết nạp đặt tại ấp Xóm Gốc, xã Long An, huyện Long Thành.

Đến ngày 19/7/2022, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cũng tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận kinh doanh hóa chất có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và yêu cầu đơn vị đối tác thu hồi các bồn chứa khí. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Long Thành tăng cường giám sát, xử lý đối với hành vi xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép. Mặc dù đã được yêu cầu di dời các bồn chứa từ Sở Công Thương nhưng đến nay vẫn còn 1 bồn chứa khí chưa thực hiện di dời.

 Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh doanh N2O

Hóa chất từ bồn chứa còn sót lại liệu có thoát ra ngoài gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh?
Được biết, từ đầu năm 2023, Công ty hải Đăng Nguyễn đã nhập khẩu hàng tục tấn khí N2O. Hiện nay, doanh nghiệp này đã chuyển nhà kho sang chiết khí về địa chỉ mới tại Tổ 33, khu phố Phước Kiểng, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch; đồng thời vẫn hoạt động kinh doanh hóa chất.

Để kinh doanh khí N2O, ngoài Giấy chứng nhận kinh doanh hóa chất có điều kiện và Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; đơn vị kinh doanh cần có quyết định phê duyệt hoặc đánh giá tác động liên quan đến bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Bao gồm thẩm định chất lượng nhà xưởng và bồn chứa đáp ứng đủ các điều kiện an toàn hóa chất theo quy định.

 Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh doanh N2O

Những bồn chứa của Công ty Hải Đăng Nguyễn.
Liên quan đến vấn đề này, Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp không có trong hệ thống quản lý dữ liệu, hồ sơ văn bản của Sở. Vì thế, phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho rằng, có thể Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nhơn Trạch đang quản lý đơn vị này. Tuy nhiên, khi liên hệ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nhơn Trạch, cán bộ Phòng từ chối phát ngôn và cung cấp thông tin.

Nhiều thắc mắc chưa có lời giải đáp khiến dư luận phải tự hỏi, sau khi dời nhà kho sang địa chỉ mới, những bồn chứa Công ty Hải Đăng Nguyễn đang sử dụng thuộc sở hữu của đơn vị nào, đã có đủ điều kiện an toàn hóa chất hay chưa? Những bồn chứa này đang lưu trữ loại khí nào, có phải khí N2O hay không? Tại sao bồn chứa còn xót lại trên đất lúa vẫn chưa được di dời? Nếu không có trong hồ sơ đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng hóa chất từ các bồn chứa do đơn vị nào thẩm định, đánh giá? Trong suốt quá trình sử dụng, hóa chất có thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường hay không?

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan cần tiến hành kiểm tra, xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định nếu phát hiện vi phạm.

 

 

Nhóm PV

Theo thiennhienmoitruong.vn

https://thiennhienmoitruong.vn/nguy-co-o-nhiem-moi-truong-tu-hoat-dong-kinh-doanh-n2o.html

 

Bình luận