Có ba yếu tố chính giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định và khả quan, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường thương mại và mức lương cạnh tranh.
Công nhân Công ty Matsuo Vietnam - doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản - tại Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Hải Nguyễn
Trang Vietnam Briefing dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt kỳ vọng trong năm nay với mức tăng GDP là 8%. GDP của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể do COVID-19 trong năm 2021. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế khả quan trong thời kỳ đại dịch, tăng trưởng 2,6% vào năm 2021.
Theo trang Vietnam Briefing, có 3 yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và đạt được những con số tăng trưởng khả quan.
Đầu tư cơ sở hạ tầng
Việt Nam chi khoảng 6% GDP cho cơ sở hạ tầng. Đây là một trong những mức cao nhất trong khu vực ASEAN.
Trong số các khoản đầu tư đó có một số hạng mục lớn: Đường cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh dài 1.800km đầy tham vọng; sân bay quốc tế Long Thành để thay thế sân bay Tân Sơn Nhất quá tải của Thành phố Hồ Chí Minh; các dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các nhà máy nhiệt điện và rác thải thành năng lượng.
Mặc dù có những dấu hiệu tích cực này, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục. Nhiều nhà máy vẫn phụ thuộc vào lao động hơn là sử dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình. Tuy nhiên, chính phủ cam kết thay đổi điều này và đã công bố các ưu đãi cho các ngành công nghệ cao.
Việt Nam tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu
Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các nước trên thế giới. Tư cách thành viên của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng giúp Việt Nam trở thành một bên tham gia một số FTA mà ASEAN đã ký kết.
Tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất và quyền của người lao động được đảm bảo trong các hiệp định này giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và mở rộng cơ sở xuất khẩu.
Chẳng hạn, hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam bất chấp đại dịch. Năm 2021, hiệp định thương mại tự do giữa Anh và Việt Nam (UKVFTA) đã giúp thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt gần 6,6 tỉ USD. Mức tăng tương tự cũng được ghi nhận với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với xuất khẩu sang Canada và Mexico.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam cởi mở, chính phủ có nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư muốn đổ tiền vào Việt Nam. Điều này đã được thực hiện dễ dàng hơn thông qua số lượng FTA ngày càng tăng của Việt Nam.
Mức lương cạnh tranh ở Việt Nam
Một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam là mức lương cạnh tranh. Trung Quốc được biết đến là quốc gia thống trị ngành sản xuất, nhưng với việc tăng lương, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hoạt động sang duy trì lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất chi phí thấp.
Trong khi vẫn cần phát triển lực lượng lao động lành nghề, Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, năng động sẵn sàng lấp đầy khoảng trống. Lực lượng lao động trẻ cũng có chi phí thấp hơn. Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có nhiều sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật nhất.
Khi kinh tế Việt Nam càng phát triển, tiền lương càng tăng lên. Do đó, Việt Nam sẽ phải duy trì sự cân bằng giữa lạm phát, mức lương và năng suất để tránh làm gián đoạn thị trường lao động nói chung. Chi phí lao động thấp cuối cùng sẽ không bền vững trong dài hạn và trọng tâm sẽ phải là phát triển ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng nội địa của Việt Nam.
Thách thức và triển vọng
Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy sẽ có những thách thức lớn hơn trong năm tới trong bối cảnh nguồn cung năng lượng trên thế giới dự kiến sẽ bị thắt chặt và giá cả tăng cao. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với những cơn gió ngược do nhu cầu chậm lại, lạm phát gia tăng và bối cảnh địa chính trị thế giới.
Bất chấp những thách thức, tăng trưởng dài hạn của Việt Nam vẫn ổn định và có đủ yếu tố thúc đẩy để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tới đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.12.2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỉ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song số dự án đầu tư mới tăng, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ.
Theo Phòng Thương mại Châu Âu, nguồn vốn FDI đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như môi trường thương mại và lao động của Việt Nam.
Ngay cả khi còn thách thức, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn đầy hứa hẹn. Các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường được khuyên nên thực hiện thẩm định để đảm bảo sẵn sàng đối mặt với những thách thức. Trong ngắn hạn, chi phí có thể tăng lên, nhưng các nhà đầu tư tham gia cuộc chơi dài hạn sẽ gặt hái được những thành quả lớn.
NGỌC VẤN
Theo laodong.vn
https://laodong.vn/the-gioi/nhan-to-giup-kinh-te-viet-nam-tang-truong-on-dinh-va-kha-quan-1131781.ldo
Bình luận