Phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030
Tin Quốc Tế

Phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030

Theo Quy hoạch, TP. Cần Thơ phấn đấu trở thành cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đôlà trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có phạm vi, ranh giới bao gồm toàn bộ TP. Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên 1.440,40 km2. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ sẽ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực: nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%, công nghiệp - xây dựng khoảng 35,9%, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11 - 15%/năm.

Phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030

Một phần của thành phố Cần Thơ. Ảnh: PHƯƠNG ĐIỀN

Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam. 

Về định hướng, Cần Thơ phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện, tự nhiên, lợi thế của địa phương. Đẩy nhanh hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai - Cờ Đỏ; đô thị - công nghiệp - cảng - logistics Thốt Nốt; Trung tâm năng lượng, công nghiệp - công nghệ cao Ô Môn; thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An.

Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm phân phối của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thương mại điện tử, hình thành các trung tâm thương mại cấp vùng. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, sản phẩm dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Các dịch vụ được ưu tiên phát triển như logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa - thể thao.

GRDP năm 2022 tăng trên 12%

Theo thống kê kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Cần Thơ trong năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 12,64% so với cùng kỳ năm trước, đây được cho là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nayVới kết quả này, TP Cần Thơ là địa phương có tốc độ tăng GRDP đứng hạng thứ 6 so với cả nước; xếp thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Lần đầu tiên thành phố có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số từ trước cho đến nay, đây là tín hiệu khả quan cho thấy tình hình khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.

Cũng trong năm 2022, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tục phát triển vườn cây ăn trái theo hướng quy hoạch vùng chuyên canh, chất lượng cao, tạo mối liên kết tập trung quy mô phù hợp, nhằm thúc đẩy tăng tính cạnh tranh sản phẩm trái cây trên thị trường, từng bước khai thác lợi thế tiêu thụ nội địa, chế biến xuất khẩu và phát triển du lịch sinh thái. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu các sản phẩm thủy sản chủ yếu cá tra; tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu ở mức cao. Sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi và tăng mạnh, các doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân những tháng cuối năm, dịp Tết Dương lịch năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 29,59% so với năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 35,38%.

 

 

Theo nguồn PHƯƠNG ĐIỀN/thiennhienmoitruong.vn

Link nguồn: https://thiennhienmoitruong.vn/phe-duyet-quy-hoach-tp-can-tho-thoi-ky-2021-2030.html 

Bình luận