Đảng và Nhà nước ta có nhiều Nghị quyết, chỉ thị, biện pháp phòng chống, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn nghiêm trọng, như một nạn dịch lan tràn với những diễn biến phức tạp “động vào đâu cũng thấy” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Theo cuốn sách “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” (NXB Sự thật - Hà Nội - 2013), kết quả cuộc điều tra xã hội học được tiến hành bởi Ngân hàng Thế giới (WB), Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 10 tỉnh/thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ), với 2.601 người dân, 1.058 doanh nghiệp và 1.801 cán bộ công chức đã đưa ra những con số giật mình: 45% công chức chứng kiến hành vi tham nhũng, tiêu cực; 44% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức (đưa hối lộ cho cán bộ, công chức) để giải quyết vấn đề của họ một cách nhanh chóng; 28% người dân trả chi phí không chính thức và có 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng, tiêu cực là vấn đề nghiêm trọng, trở thành phổ biến trong xã hội.
Ảnh minh hoạ
Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực ngày càng giảm, mặc dù tệ nạn này không giảm. Nguyên nhân có thể là do pháp luật còn có kẽ hở; các cơ quan chức năng chưa đủ mạnh và vẫn còn có thế lực bao che, tiếp tay (hoặc bị khống chế) cho tham nhũng, tiêu cực. Thông thường kẻ tham nhũng, tiêu cực khi nhận hối lộ thì tìm mọi cách giải quyết công việc cho người đưa hối lộ, nhưng hiện đã có những kẻ nhận hối lộ mà không làm gì (hoặc không làm được) và đã trở thành kẻ lừa đảo...
Việc nhận biết tham nhũng, tiêu cực không khó, nhưng việc vạch mặt chỉ tên thì lại nan giải. Có nơi khi bỏ phiếu tín nhiệm các cán bộ lãnh đạo chủ chốt luôn có một kết quả “lạc quan”, không ai có số phiếu tín nhiệm thấp! Thế nhưng sau đó có vụ việc vỡ lở, nhiều cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả người đứng đầu bị kỉ luật, thậm chí dính vòng lao lí. Như vậy, ở nơi này hoặc là các cơ quan chức năng kém, hoặc có cán bộ thanh tra, kiểm tra bị mua chuộc; hay nguy hại hơn, đó là sự suy thoái, biến chất đã trở thành một thế lực lớn khuynh loát cả kỉ cương phép nước; các “lá chắn” thanh tra, kiểm tra, cơ quan pháp luật... đều có lỗ hổng về năng lực, hoặc kém về phẩm chất... để bọn tham nhũng, tiêu cực lọt tội.
Nói thế không có nghĩa là tham nhũng, tiêu cực không thể bị đẩy lùi. Vấn đề là ngoài quyết tâm, chúng ta phải có cơ chế và pháp luật đủ mạnh; đội ngũ cán bộ phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải đủ đức, đủ tài; bọn tham nhũng, tiêu cực phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Ngoài phạt tù, chúng còn phải bồi hoàn gấp hai, ba lần số tiền đã tham nhũng, nếu chưa bồi hoàn đủ, ra tù phải đi làm trả tiếp, để chúng không thể, không dám tham nhũng, tiêu cực.
Một biện pháp tích cực cần phải làm ngay, là phải xử lí bọn tham nhũng, tiêu cực bằng pháp luật chứ không chỉ bằng nguyên tắc Đảng. Việc bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bỏ phiếu kỉ luật trong tổ chức Đảng, với nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” rất đúng trong những hoạt động bình thường của Đảng, nhưng sẽ là hữu khuynh hoặc nguy hại nếu áp dụng ở những cơ sở Đảng yếu kém, biến chất, trở thành phương tiện bị giật dây, khống chế bởi kẻ tham nhũng đầy quyền lực. Đã từng có những trường hợp kẻ tham nhũng là thủ trưởng cơ quan, đơn vị được 100% đảng viên bỏ phiếu đề nghị không kỉ luật, nhưng khi cơ quan cấp trên về kiểm tra, thanh tra nghiêm minh, thì vẫn tổ chức Đảng ấy lại có 100% đảng viên yêu cầu kỉ luật kẻ đứng đầu đó.
Vấn đề ở đây không phải là thay đổi nguyên tắc Đảng, mà phải hiểu nguyên tắc Đảng là để điều chỉnh hoạt động giữa tổ chức Đảng với các đảng viên và các tổ chức Đảng với nhau. Đối với những kẻ tham nhũng, tiêu cực, chúng đâu còn là người cộng sản. Ở những tổ chức đã biến chất hoặc bị khống chế, những con sâu tham nhũng, tiêu cực này đông và mạnh hơn những người kiên trung. Nếu vẫn thực hiện nguyên tắc này một cách giáo điều là trao vũ khí cho bọn biến chất, không những không kỉ luật được chúng, mà còn giúp chúng trù dập, truy bức những người dám đấu tranh vì công lí. Nhiều thực tế đau xót đã diễn ra khi người ta tổng kết “đấu tranh thì tránh đâu”. Vì vậy, chúng ta không thể áp dụng nguyên tắc Đảng với những người thực chất không còn là đảng viên cộng sản.
Thiết nghĩ, với những biện pháp kiên quyết, thường xuyên và đồng bộ mới hi vọng vấn nạn tham nhũng, tiêu cực sẽ từng bước bị ngăn chặn, đẩy lùi, bọn tham nhũng, tiêu cực sẽ bị vạch mặt, trừng trị để chúng không thể và không dám tham nhũng, tiêu cực.
Phạm Như Hùng
Theo ngaymoionline.com.vn
Bình luận