Năm 1822, trong công cuộc cải cách hành chính của triều Nguyễn, vua Minh Mệnh đã cho đổi tên từ phủ Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường. Trải qua hai thế kỉ (1822 - 2022) với danh xưng “Đất phủ Vĩnh Tường” và bề dày lịch sử hơn 4.000 năm, Vĩnh Tường ngày càng khẳng định vị thế của một huyện giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc…
Nằm trong vùng đồng bằng phù sa cổ, Vĩnh Tường là địa bàn cư trú của người Việt Cổ, tạo nên nền Văn minh sông Hồng - văn minh lúa nước nổi tiếng, góp phần hình thành Nhà nước Văn Lang thời đại các vua Hùng trong lịch sử dân tộc. Ông Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Các nghiên cứu khảo cổ học đã cho thấy, Vĩnh Tường là một vùng đất cổ. Dưới lòng đất Vĩnh Tường hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại trải dài từ thời kì văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, cách đây từ 3.000- 3.700 năm. Đáng chú ý, trong tổng số 18 di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa thời Phùng Nguyên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được phát hiện và công bố, riêng huyện Vĩnh Tường có 7 di tích, tiêu biểu như các di tích: Lũng Hòa (xã Lũng Hòa), Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng)…”.
Đình cổ Thổ Tang tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ thế kỷ XVII
Trải qua thời gian, cùng nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường vẫn còn lưu giữ được hệ thống kho tàng di tích, di sản văn hóa lịch sử đồ sộ, minh chứng cho một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường hiện có 269 di tích lịch sử, văn hóa (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt là đình Thổ Tang, 19 di tích được xếp hạng quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh) và gần 100 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Là vùng đất có truyền thống yêu nước, đấu tranh chống xâm lược từ lâu đời, trong suốt chiều dài lịch sử, trên mảnh đất Vĩnh Tường thời nào cũng có những anh hùng hào kiệt, danh tướng, đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương. Cụm di tích thờ nữ tướng Lê Ngọc Trinh (xã Lũng Hòa) gồm đình Đông, đình Nam, đình Hòa Loan và đền Ngòi, đều là những công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, được xây dựng để tôn vinh, tưởng nhớ nữ tướng Lê Ngọc Trinh, người con quê hương Lũng Hòa. Với tài thao lược, vào những năm đầu công nguyên, nữ tướng đã phò giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, giành độc lập đầu tiên cho nước nhà, được vua Bà phong chức Đại tướng quân và ban tặng 8 chữ “Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần”.
Đầm Vực Xanh từ xửa xưa vẫn thơ mộng của huyện Vĩnh Tường
Đến thời Lý Cao Tông, Vĩnh Tường có tướng quân Nguyễn Văn Nhượng đánh giặc Chiêm Thành, góp phần giữ yên bờ cõi Đại Việt, được làng Tứ Trưng (nay là thị trấn Tứ Trưng) thờ làm thành hoàng. Thời Trần, khắp nơi trong huyện đã cùng tướng quân Trần Nhật Duật đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Thời Lê Sơ, Nhân dân trong huyện hăng hái tham gia kháng chiến giúp nghĩa quân Lê Lợi lập chiến công hiển hách ở Bình Lệ Nguyên (Bình Xuyên), cầu Sa Lộc, thành Tam Giang.
Thời kì Pháp thuộc, truyền thống yêu nước đó lại được người dân Vĩnh Tường tiếp nối với những tên tuổi ghi vào lịch sử như: Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn), quê Vũ Di, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (năm 1917); Nguyễn Thái Học, quê Thổ Tang, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái (năm 1930). Từ khi có ánh sáng của Đảng soi đường trong cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Tây Nam và phía Bắc, Vĩnh Tường luôn có phong trào cách mạng sôi nổi. Nhiều người con ưu tú của Vĩnh Tường đã trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên, trọn đời hiến dâng cho cách mạng, cho Tổ quốc, là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ noi theo như Lê Xoay, Nguyễn Viết Xuân…
Vĩnh Tường là vùng đất có truyền thống hiếu học lâu đời, có nhiều người học rộng, tài cao, vinh hiển và đỗ đạt. Văn miếu phủ Tam Đới đặt tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường), xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỉ XV) là một trong các Văn miếu sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó là hệ thống các văn từ, văn chỉ được cho là có số lượng nhiều nhất tỉnh. Ngoài chức năng là nơi thờ các vị tiên thánh của Nho giáo (đạo học chính thời phong kiến), thì văn miếu, văn từ hay văn chỉ còn là nơi ghi danh, ghi dấu và tôn vinh, đề cao sự học, phải là vùng đất hiếu học, đỗ đạt, khoa bảng thì mới có hệ thống thờ tự này. Theo tài liệu lịch sử, Vĩnh Tường có 23 tiến sĩ nho học và 1 phó bảng triều Nguyễn; 191 vị thi đỗ trung khoa cử nhân đời Nguyễn; 4 vị đỗ đại khoa về ngạch võ…
Ông Lê Nguyễn Thành Trung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường (nhiệm kì 2021 - 2026) tự hào, cho biết: “Truyền thống yêu nước, văn hóa, văn hiến qua hàng nghìn năm lịch sử của vùng đất cổ Vĩnh Tường đã và đang được lớp lớp thế hệ gìn giữ và phát huy, góp phần viết tiếp những trang sử vẻ vang để danh xưng “Đất phủ Vĩnh Tường” là nền tảng vững chắc để huyện Vĩnh Tường ngày càng “Hội tụ và lan tỏa”, vươn lên, phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước”.
Bài và ảnh Lê Đôn - Lê Mơ
Theo ngaymoionline.com.vn
https://ngaymoionline.com.vn/phu-vinh-tuong-mach-nguon-van-hoa-qua-nghin-nam-lich-su-37847.html
Bình luận