“Khói nhang làm từ hóa chất có nguy cơ gây kích ứng mắt, da, là thủ phạm gây viêm mũi xoang cấp và mạn tính. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hắt hơi, nhức mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi” - TS-bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên bộ môn Tai - Mũi - Họng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết.
Nhức mũi, viêm phổi vì hít khói
Cũng theo BS Minh, việc thường xuyên hít khói nhang tẩm hóa chất còn có thể dẫn tới nguy cơ viêm phổi. “Tôi đã ghi nhận không ít trường hợp mang bệnh do hít khói nhang” - BS Minh nói thêm.
Cách đây một tuần, bà NTH (48 tuổi, ngụ TP.HCM) đi khám bệnh trong tình trạng nhức mũi, nước mũi chảy nhiều, nhức đầu, buồn nôn. Sau khi nội soi, BS chẩn đoán bà bị viêm mũi xoang cấp tính. Tìm hiểu thêm, BS ghi nhận một trong những nguyên nhân khiến bà H. mắc bệnh là do ngày nào bà cũng đốt nhang ba lần nên hít nhiều khói.
Tương tự, ông TVM (54 tuổi, ngụ Đồng Nai) thường xuyên bị nghẹt mũi, nhức đầu. Không chỉ có thế, ông còn bị ho và đau nhức tai.
Kết quả nội soi cho thấy ông M. bị viêm mũi xoang cấp tính. Trao đổi với BS, ông M. cho biết do nhà ông kinh doanh nên luôn chú trọng việc cúng kiếng, nhang đèn mỗi ngày. Nhà vừa chật vừa bí nên trong nhà ông lúc nào cũng nồng mùi nhang.
Cảnh khói nhang mù mịt tại chùa Bà Thiên Hậu (quận 5, TP.HCM) dịp đầu xuân 2019 khi ai đến đây cũng muốn thắp nhang cầu khấn. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Trường hợp tiếp theo là bà TTMK (52 tuổi, ngụ TP.HCM). Bà K. cũng đi khám bệnh trong tình trạng sốt, khó thở, nhức đầu, ho liên tục. Chưa hết, bà K. còn rơi vào tình trạng đau ngực, luôn cảm thấy mệt mỏi, ra rất nhiều mồ hôi.
Sau khi thăm khám có kết quả xét nghiệm, bà K. “xanh mặt” khi nghe BS nói bà bị viêm phổi do hít nhiều khói nhang. Bà cho biết do thờ cúng nên bàn thờ gia tiên lúc nào cũng có trái cây, nhang khói. Để tiết kiệm, bà thường chỉ mua những loại nhang rẻ tiền về đốt, vì bàn thờ gần phòng ngủ nên hầu như lúc nào bà cũng phải hít khói.
Nhang càng thơm càng mau chết
BS Minh cho hay trong môi trường có quá nhiều khói nhang, những người cơ địa nhạy cảm có thể bị ngứa họng, khô họng, đau rát họng, ho, khạc đàm. Thậm chí có người ngộp thở, khó thở do co thắt thanh khí quản. “Nhiều nghiên cứu cho thấy khói nhang có nguy cơ gây hại tế bào, gây đột biến và tổn hại vật chất di truyền hơn cả khói thuốc lá” - ông Minh cảnh báo.
Theo BS Minh, trên thị trường hiện có bán rất nhiều loại nhang với mùi khác nhau. Tuy nhiên, không ít nhang thơm là do được tẩm hóa chất nên rất độc hại. Không chỉ thế, một số cơ sở sản xuất còn sử dụng cả hóa chất để nhang cuốn vòng đẹp mắt.
“Nhang không nguồn gốc, sử dụng hóa chất tạo mùi rẻ tiền sẽ gây khó thở, buồn nôn… cho người hít phải khói. Nạp càng nhiều khói nhang càng dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm độc máu, gan, phổi, thận...” - BS Minh nói.
BS Minh cũng cho biết ngoài các loại nhang thông thường còn có loại nhang được làm từ mùn cưa và bột đá vôi (CaCO3) dùng trong xây dựng. Loại này sau khi cháy có tàn trắng như tuyết, được khá nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, loại đá vôi dùng làm nhang lẫn nhiều tạp chất như chì, thủy ngân… nên khi đốt, khói nhang sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người hít khói.
“Cơ quan chức năng đã phát hiện loại nhang tẩm acid phosphoric (H3PO4) để que nhang cuốn tàn cong đẹp sau khi cháy hết. Nhang này khi đốt, chất độc sẽ tồn tại trong không khí, tác động lên da làm da bị mẫn cảm. Tác động lên hệ hô hấp gây viêm nhiễm phù nề, co thắt, khó thở. Tác động lên giác mạc gây ngứa mắt, sung huyết, chảy nước mắt. Do vậy, khi đi chùa nhiều người chảy nước mắt, ho sặc sụa... vì bị khói nhang bủa vây là do vậy” - BS Minh giải thích.
Bình luận