Siết chặt quản lý sách tham khảo đi kèm sách giáo khoa
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Siết chặt quản lý sách tham khảo đi kèm sách giáo khoa
Tin Quốc Tế

Siết chặt quản lý sách tham khảo đi kèm sách giáo khoa

Rút kinh nghiệm trong việc quản lý sách tham khảo, từ năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT không phê duyệt danh mục sách bổ trợ đi kèm sách giáo khoa để tránh việc các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị phát hành sách giáo khoa bán kèm sách bổ trợ, tham khảo cho học sinh.
Bộ GD-ĐT cho biết, cùng với sách giáo khoa (SGK), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành hệ thống sách bài tập in sẵn và tài liệu bổ trợ (tùy cấp học) có giá tương đương hoặc cao hơn giá SGK, cùng nhiều loại sách tham khảo khác cho học sinh. Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo để hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và không phải là tài liệu bắt buộc học sinh phải mua để học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Nhiều nhà xuất bản khác cũng tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành các loại sách này. Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, trên thị trường hiện nay có khoảng 30-40 nhà xuất bản tham gia lĩnh vực xuất bản sách tham khảo cho học sinh phổ thông.
Để quản lý việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong Thông tư quy định rõ: yêu cầu đối với xuất bản phẩm tham khảo; việc lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong việc lựa chọn, quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra.
Siết chặt quản lý sách tham khảo đi kèm sách giáo khoa
Tuy nhiên, trên thực tế hiện vẫn còn có sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục, giáo viên đưa nội dung vượt quá yêu cầu của chương trình từ sách tham khảo vào bài kiểm tra; giới thiệu để học sinh, phụ huynh học sinh phải mua nhiều sách tham khảo nhưng hiệu quả sử dụng không cao, làm quá tải cho học sinh, tốn kém cho gia đình học sinh và gây bức xúc trong xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng đưa quá nhiều sách tham khảo vào các cơ sở giáo dục phổ thông, tại Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT ngày 24-9-2018, Bộ trưởng GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm. Bộ GD-ĐT cho biết, rút kinh nghiệm trong việc quản lý sách tham khảo, từ năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT đã không phê duyệt danh mục sách bổ trợ đi kèm SGK để tránh việc các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị phát hành SGK bán kèm sách bổ trợ, tham khảo cho học sinh.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các ban, ngành liên quan xây dựng quy trình quản lý chặt chẽ hơn việc xuất bản, phát hành sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý đối với vi phạm về việc xuất bản, phát hành sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục.
Theo Nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/siet-chat-quan-ly-sach-tham-khao-di-kem-sach-giao-khoa-338936

Bình luận