Theo công bố của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7,0 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đa số người lao động khó sống với mức lương này khi bám trụ ở thành phố.
Thu nhập thấp, công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) sống kham khổ. Ảnh: Lương Hạnh
Chi tiêu chật vật
Chị Bùi Thị Nga - nhân viên hành chính của 1 doanh nghiệp chuyên về logistic đóng tại quận Hà Đông - có mức lương khoảng 7,2 triệu đồng/tháng. Chồng chị Nga là lái xe bus, thu nhập tương đương vợ.
Tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, kiêm thêm việc bán đồ khô (lạc, đậu, măng khô, cá khô...), gia đình chị Nga phải tính toán từng đồng mới đủ cho gia đình 4 người sống tại Hà Nội.
Hiện, chị Nga đang thuê nhà tại Khu đô thị Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội).
“Căn hộ 45 m2, chúng tôi có 2 phòng ngủ nhỏ. Hai con gái lớn chung 1 phòng, bố mẹ 1 phòng. Giá thuê 4 triệu đồng/tháng. Chúng tôi mất gần 1/3 thu nhập cho tiền thuê nhà. Phải rất căn cơ mới đủ chi tiêu” - chị Nga nói.
Theo chị Nga, trong 15 triệu đồng thu nhập mỗi tháng, chị mất cố định 4 triệu đồng tiền thuê nhà, điện nước khoảng 500.000 đồng, tiền học của 2 con khoảng 4 triệu đồng. Phần còn lại, chị căn cơ từng bữa sáng, tiền mua quần áo cho con...
Cũng may, thu nhập thêm từ bán hàng khô được khoảng vài triệu đồng mỗi tháng giúp chị đỡ chật vật hơn.
Chị Phạm Thị Mai sống tại phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) hiện đang làm công nhân cho xưởng in tại khu làng nghề Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội).
Lương theo thỏa thuận là 8 triệu đồng/tháng, nhưng theo chị Mai, họa hoằn lắm mới có tháng chị nhận đủ 8 triệu đồng.
Là mẹ đơn thân nuôi con gái, tuy không phải thuê nhà nhưng chị Mai phải lo cho con đang học đại học.
Chị cho biết, chi phí ăn uống của 2 mẹ con không đáng kể vì chị tranh thủ trồng rau trên bãi đất trống của 1 dự án treo gần nhà nên hầu như không phải mua rau.
Tốn kém nhất là tiền học hành của cô con gái đang học năm cuối ngành kế toán.
“7 triệu đồng không thể lo cho gia đình”
Đây là quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) - khi trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 9.4.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, thu nhập 7 triệu đồng chỉ đủ để người lao động lo cho bản thân chứ không thể nuôi được gia đình, con cái. Mức thu nhập này không thể đảm bảo cuộc sống cho người lao động và rất cần thay đổi bởi đây là nguồn thu nhập quá thấp.
Ông Lợi tính toán trong rổ chi tiêu của một lao động bám trụ ở thành phố, ngoài tiền thuê trọ, điện nước, ăn uống cũng là 1 khoản đáng kể do mặt bằng giá tại thành phố khá cao. Về cơ bản, người lao động phải sống hết sức kham khổ mới tiết kiệm được 1-2 triệu đồng/tháng. Do đó, việc phải gánh thêm chi phí cho gia đình, con cái với nhiều chi phí phát sinh (học hành, khám chữa bệnh...), người lao động thu nhập 7 triệu đồng/tháng sẽ bị quá sức.
Cũng theo ông Lợi, tương quan mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng với ước mơ mua được nhà ở xã hội là một khoảng cách rất xa vời. Cũng vì thế, trong chính sách về nhà ở xã hội, phải thực hiện 3 phương án: Một là mua; hai là thuê; ba là vừa mua vừa thuê (thuê đến khi hết khấu hao thì thuộc quyền sở hữu người thuê). Ba phương án linh động thì người lao động mới có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.
Riêng với lao động thu nhập thấp, theo ông Lợi, ngành chức năng phải tính phương án hỗ trợ người lao động thuê nhà. Có như vậy mới đảm bảo điều kiện cho họ làm việc.
Quỳnh Chi
Theo Laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/song-kho-voi-luong-chi-7-trieu-dongthang-1177758.ldo
Bình luận