Tết Trung thu, dịp lễ quan trọng và ý nghĩa của người Việt
  • Home/
  • Văn hóa /
  • Tết Trung thu, dịp lễ quan trọng và ý nghĩa của người Việt
Văn hóa

Tết Trung thu, dịp lễ quan trọng và ý nghĩa của người Việt

Tết Trung thu, một dịp lễ quan trọng của Việt Nam và một số nước khác ở châu Á, diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Đây là thời điểm để mọi gia đình sum họp, quây quần bên nhau và cùng thưởng thức bánh trung thu và những món ăn đặc trưng khác. Chính vì thế, Tết Trung thu còn được gọi với cái tên Tết đoàn viên.

Hình ảnh minh họa

Tết Trung thu tại Việt Nam bắt đầu từ nền văn hóa Trung Hoa. Cụ thể, vào thời nhà Chu (1045 - 221 TCN), các hoàng đế cổ đại có quan niệm tôn thờ mặt trăng trong mùa thu hoạch để cầu mong một vụ mùa bội thu trong năm tiếp theo. Từ đó, phong tục cúng tế mặt trăng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên tại thời điểm ấy, Tết Trung thu chỉ mang tính mùa vụ, chưa phải là một lễ hội chính thức.

Vào thời nhà Đường (618 – 907), khi có ngày càng nhiều người trong giới thượng lưu thực hiện phong tục ngắm trăng vào ngày rằm thì Tết Trung thu dần trở nên phổ biến. Họ tổ chức những bữa tiệc linh đình, uống rượu, thưởng ngoạn và để người dân cúng tế, cầu nguyện dưới ánh trăng. Đến thời nhà Tống (960 – 1279), Tết Trung thu dần trở thành ngày lễ chính thức trong năm.

Dần dà, ngày lễ này du nhập vào nhiều nước khác trong khu vực châu Á, điển hình là Việt Nam. Các nhà khảo cổ học nhận định hoạt động sinh hoạt Tết Trung thu ở Việt Nam đã xuất hiện từ lâu và được in lên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo ghi chép trên văn bia ở chùa Đọi vào năm 1121, nhà Lý tổ chức Tết Trung thu như lễ hội chính thức với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn ở kinh thành Thăng Long. Đến đời Lê - Trịnh, Tết Trung thu diễn ra cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà tập kí “Tang thương ngẫu lục” miêu tả.

Trong dịp Tết Trung Thu, người dân Việt Nam thường tổ chức nhiều hoạt động truyền thống để tưởng nhớ đến tổ tiên cũng như tận hưởng trọn vẹn không khí ấm áp của ngày lễ. Tiêu biểu như:

      1. Rước đèn trung thu:

Rước đèn là hoạt động không thể thiếu khi đến Tết Trung thu. Vào ngày lễ này, các em thiếu nhi sẽ được ông bà, cha mẹ chuẩn bị cho những chiếc đèn lồng xinh xắn cùng bạn bè rước đèn trong không khí náo nhiệt đan xen giữa tiếng trống, tiếng kèn, tiếng cười nói rộn ràng.

Các em nhỏ rước đèn trong Tết Trung thu. Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

      2. Múa lân:

Múa lân là hoạt động văn hóa dân gian độc đáo, gần gũi của người dân đất Việt. Vào dịp lễ Tế Trung thu, hoạt động này thường tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16. Với màn trình diễn của những chú lân đầy màu sắc sinh động uy nghi, sinh động nhảy múa trong tiếng trống rộn rang, vui tươi khiến cho bầu không khí khắp bản làng, ngõ xóm, phố xá vô cùng nhộn nhịp.

3. Bày cỗ Trung thu:

Mâm cỗ Trung thu được bày trí đẹp mắt dùng để cúng trăng, tế trời đất để cầu mong mọi điều trong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu và gia đình đoàn viên. Cỗ Trung thu tại Việt Nam thường có: Bánh trung thu, kẹo, bưởi, thị, dưa hấu, hồng, quả na dai...

Mặt trăng tròn là hình ảnh đặc trưng vào dịp lễ Trung thu. Chính vì vậy, vào đêm trăng tuyệt đẹp của tiết giữa thu, mọi người sẽ cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, vừa thưởng món ngon, vừa cùng nhau ngắm trăng, kể những câu chuyện thú vị. 

4. Tham gia các trò chơi dân gian:

Bên cạnh các hoạt động ăn uống, rước đèn, múa lân, tại một số nơi còn tổ chức các trò chơi dân gian để mọi người tham gia. Chẳng hạn như: kéo co, đi cầu ván, hái hoa cau, v.v.

Tết Trung thu mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với người Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, con người luôn cho rằng trăng tròn và trăng khuyết tượng trưng cho niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó, trăng tròn được xem như biểu tượng của sự sum họp. Thế nên, Tết Trung thu là dịp để tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên, trời đất. Đồng thời, các em thiếu nhi có những kỷ niệm tươi đẹp khi được vui chơi, rước đèn bên người thân, bạn bè. Từ đó, góp phần giữ gìn và tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, Tết Trung Thu còn là thời điểm vô cùng thích hợp để mọi người ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Theo quan niệm dân gian, nếu năm nào có trăng thu màu vàng thì sẽ trúng mùa tằm tơ; nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ xảy ra thiên tai; nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Phương Vi

Bình luận