Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng và phát triển kế hoạch sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong Thông điệp gửi đến Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 (khai mạc vào tối 12/12 tại Hậu Giang), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là một năm có những thời cơ, thuận lợi, đan xen với khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Có thể nói, đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam cơ bản ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Các cân đối lớn được bảo đảm như thu đủ chi, làm đủ ăn, xuất đủ nhập, đặc biệt, xuất khẩu gạo có thể đạt 8 triệu tấn trong năm 2023, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong những lúc khó khăn. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm của Việt Nam.
Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng và phát triển kế hoạch sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp.
Công bố, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Tối ngày 12/12, trong khuôn khổ khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Lễ phát động triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án được triển khai tại 12 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và được chia thành 2 giai đoạn.
(Ảnh minh họa)
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành vùng chuyên canh lúa, diện tích 1 triệu ha gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Diện tích trồng lúa trong đề án sẽ thực hiện thí điểm chính sách chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả của việc tập trung phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Các phụ phẩm lúa gạo để tái sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và khai thác các giá trị tạo nhiều sản phẩm chế biến từ lúa. Các thí điểm thành công tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc hướng vào mục tiêu tạo sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho nông dân trồng lúa. Về mục tiêu quốc gia, sẽ tập trung "phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" thành thương hiệu lúa gạo của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu thế tiêu dùng ngày càng tác động mạnh đến ngành nông nghiệp. Yêu cầu ngày càng cao và nghiêm ngặt của thị trường đòi hỏi chất lượng hạt gạo phải được nâng lên.
Theo nguồn THẢO PHƯƠNG/Thiennhienmoitruong.vn
Link nguồn: https://thiennhienmoitruong.vn/thu-tuong-kinh-te-viet-nam-co-ban-on-dinh-kiem-soat-duoc-lam-phat.html
Bình luận