Nhật Bản được thế giới biết đến với hoa anh đào, võ thuật (karatedo, judo,…), nghệ thuật cắm hoa Ikebana, Kimono, Geisha,… và Trà đạo. Trà đạo Nhật Bản truyền thừa hơn 400 năm, tới nay đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử nhưng vẫn giữ được nét độc đáo mà bất cứ ai nhìn vào cũng cảm nhận được tinh thần Nhật thấm đượm trong đó.
Bức trướng Hoà Kính Thanh Tịch được treo ở góc trang trí Tokonoma trong phòng trà
Trong nền văn hoá bản địa này, mỗi cành cây, ngọn cỏ cho đến cách con người ứng xử, chung sống với nhau hàng ngày đều toát ra tính cách Nhật. Trà đạo cũng vậy! Nói về triết lý Trà đạo Nhật Bản có thể dùng một cụm từ bốn chữ để cô đọng lại một cách chân thật nhất toàn bộ ý nghĩa tinh thần của bộ môn nghệ thuật này và rộng ra hơn là cả tinh thần Nhật.
Đó là bốn chữ: 和敬清寂- HÒA KÍNH THANH TỊCH
Người chủ pha cho khách một chén trà ngon với tấm lòng trong sáng, tận tâm cung kính
Giải thích một cách đơn giản thì Hòa là hòa hợp; Kính là kính trọng, cùng chấp nhận lẫn nhau; Thanh là tinh khiết, trong sạch; Tịch là sự tiêu trừ muộn phiền, đưa tâm về trạng thái tịch mịch, bình lặng.
Đó chỉ là giải thích trên mặt chữ, còn trong việc học Trà đạo, người làm trà phải hiểu và nghĩ sâu xa hơn, liên hệ tới triết lý nhân sinh, đối nhân xử thế và cả vai trò của con người giữa thiên nhiên, vạn vật.
Sự kính trọng lẫn nhau thể hiện trong mỗi động tác
Hòa:
Con người vẫn là một thực thể trong tự nhiên, để tồn tại con người phải biết cách sống hòa hợp với thiên nhiên vạn vật, sống với nhau một cách hòa nhã, cùng suy nghĩ về một thế giới hòa bình, yên ổn. Chính vì vậy khi chuẩn bị làm trà, người chủ nhà phải viết thiệp mời khách, chuẩn bị trang phục, chọn lựa các dụng cụ, trà bánh sao cho hợp với thời điểm hoàn cảnh. Khi buổi uống trà diễn ra, giữa chủ và khách cùng mở lòng, sẵn sàng cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Dụng cụ pha trà luôn trong trạng thái thanh sạch và sắp xếp hài hoà
Kính:
Trong việc tiếp đãi, chủ nhà luôn luôn ở tâm thế sẽ thứ lỗi hết cho sự tùy ý của khách. Ví dụ như nếu khách không ngồi quỳ được thì sẽ trải nệm hoặc kê ghế cho khách ngồi để uống cạn chén trà. Nếu khách không biết vị trí, cách dùng trà bánh cũng như tên và ý nghĩa các dụng cụ thì chủ nhà sẽ tận tình hướng dẫn giải thích cho khách. Trong bầu không khí đó, tự khách cũng ý thức hết thảy mọi việc chủ nhà làm đều là vì sự tiếp đãi mình mà trân trọng và biết ơn. Chính vì vậy, trong Trà đạo, mối quan hệ giữa khách và chủ nhà luôn thể hiện sự cùng tôn kính, cùng khiêm nhường và cùng chấp nhận lẫn nhau.
Tiêu trừ mọi phiền não để thưởng thức chén trà trong với cái tâm tĩnh lặng
Thanh:
Trong việc chuẩn bị và làm trà, chủ nhà phải chuẩn bị tươm tất, lau dọn sạch sẽ từ sân vườn, phòng trà, tới các dụng pha trà trước. Suốt quá trình pha trà, người làm trà phải tỉ mỉ, cẩn thận lau sạch các dụng cụ trà trước mặt khách. Tất cả các thao tác này là phương thức để dẫn tới ý thức đẹp đẽ, thuần khiết trong tâm hồn của người làm trà. Chữ Thanh không đơn thuần là việc lau dọn cái gì đó cho sạch sẽ, mà mang thông điệp là chúng ta hãy luôn sống và suy nghĩ bằng cái tâm trong sáng, thuần khiết nhất.
Khách tham gia trải nghiệm không gian Trà đạo tự mình đánh một chén matcha
Tịch:
Sau tất cả của sự hòa hợp, của sự chân thành kính trọng, của tấm lòng sáng trong thì người học trà luôn hướng tới trạng thái tinh thần đích thực của Trà đạo đó là luôn giữ cho Tâm mình kiên định, vững vàng, ngay thẳng, không bị dao động trước những biến đổi liên tục trong cuộc sống. Đó là cảnh giới của sự tiêu trừ phiền não, giữ tâm bình tĩnh không nóng nãy, giảm bớt những việc làm vô ích, chỉ giữ lại cái tâm chân thành thuần khiết, đối diện với biến cố bằng sự tĩnh tại, sáng trong.
Khách tham gia trải nghiệm không gian Trà đạo có thể thưởng thức bánh và chén trà do tự mình pha
Trà đạo Nhật Bản đã có mặt ở Việt Nam từ lâu, đại diện là Câu lạc bộ (CLB) Trà Đạo Sài Gòn Urasenke tại TP. HCM (thành lập năm 1999). Năm 2007, CLB gia nhập Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP. Hồ Chí Minh. Các hoạt động của CLB chủ yếu là biểu diễn, giới thiệu Trà đạo trong phạm vi giao lưu văn hóa Việt, Nhật thông qua các sự kiện do Hội hữu nghị Việt - Nhật tổ chức. Ngoài ra, CLB cũng thường xuyên chiêu sinh hội viên, hướng dẫn hội viên học tập và trải nghiệm Trà đạo.
Triết lý Trà đạo Nhật Bản cô đọng trong bốn chữ Hoà Kính Thanh Tịnh
CLB Trà Đạo Sài Gòn Urasenke tổ chức trải nghiệm không gian Trà đạo mỗi tháng 1 lần, dành cho tất cả những người yêu mến bộ môn nghệ thuật này.
- Thời gian: 15:00 Chủ nhật trong tháng (sẽ được thông báo trên Fanpage Facebook của CLB mỗi tháng)
- Địa điểm: Toà nhà VJCC, Trường Đại học Ngoại thương - Cơ sở II, số 15, đường D5, P.25, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
- Liên hệ đăng ký trải nghiệm tập Trà đạo [email protected] hoặc nhắn tin qua trang Facebook CLB Trà Đạo Sài Gòn Urasenke .https://www.facebook.com/CLBTraDao
Bài và ảnh: Điềm Điềm
Theo langngheviet.com.vn
Bình luận