Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhanh chóng thực hiện những quyết định mang tính bước ngoặt, gây chấn động cộng đồng quốc tế: ký sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các động thái này không chỉ tác động sâu rộng đến Hoa Kỳ mà còn trên toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump. Nguồn: The official Facebook page for Donald J. Trump
Được biết, 196 quốc gia đã ký Hiệp định Paris vào năm 2015 nhằm tăng cường phản ứng toàn cầu đối với mối đe dọa ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận đặt ra một khuôn khổ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 1,5 độ C hoặc "thấp hơn nhiều so với 2 độ C" so với mức trước thời kỳ công nghiệp vào cuối thế kỷ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump - người nhiều lần gọi hiện tượng nóng lên toàn cầu là “trò bịp bợm”, đã quyết định ký ban hành sắc lệnh đưa Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận ngay ngày nhậm chức 20/1 (giờ địa phương). Ngay sau đó, ông Trump cũng ký vào bức thư gửi Liên hợp quốc để thông báo về động thái trên.
Thông tin về sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi WHO từ Nhà Trắng
Việc một quốc gia phát thải khí nhà kính lớn như Hoa Kỳ rút lui khỏi hiệp định không chỉ làm suy yếu các nỗ lực chống biến đổi khí hậu mà còn gây áp lực lớn lên các quốc gia khác về vấn đề giữ vững cam kết. Ở nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump từng quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Paris vì cho rằng các hoạt động chống biến đổi khí hậu quá tốn kém. Dù vậy, vào ngày đầu tiên nhậm chức năm 2021, cựu Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp đưa Hoa Kỳ tái gia nhập Hiệp định Paris.
Bên cạnh Hiệp định Paris, WHO từ lâu trở thành mục tiêu chỉ trích mạnh mẽ từ Tổng thống Trump. Ông cáo buộc tổ chức này quản lý yếu kém trong đại dịch COVID-19 và không thực hiện được những cải cách cần thiết để đảm bảo tính độc lập trước các tác động chính trị từ các quốc gia thành viên. Theo sắc lệnh hành pháp được ký ngày 20/1 của ông Trump, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi WHO đồng thời chấm dứt tài trợ cho tổ chức. Tổng thống Trump từng đe dọa động thái trên ở nhiệm kỳ đầu nhưng nó chưa trở thành hiện thực vì ông thất cử vào năm 2020.
Thông tin về sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu từ Nhà Trắng
Việc rút khỏi Thỏa thuận Paris và WHO không phải là quyết định tức thì. Theo quy định, quá trình rút khỏi Thỏa thuận Paris mất một năm kể từ khi Hoa Kỳ chính thức thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tương tự, để rời khỏi WHO, Hoa Kỳ phải thông báo trước một năm và hoàn tất các khoản phí chưa thanh toán theo nghị quyết của Quốc hội năm 1948.
Theo các nguồn tin quốc tế, trước động thái quyết liệt từ chính quyền Trump, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vẫn bày tỏ tin tưởng các bang, thành phố, doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi mục tiêu giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, bất chấp quyết định từ chính phủ liên bang. Phía WHO chưa đưa ra phản hồi chính thức nhưng các chuyên gia cảnh báo Hoa Kỳ rút lui có thể làm suy giảm nguồn lực, sức ảnh hưởng trong ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu của tổ chức này.
Hoang Nam
Bình luận