Như hai mặt của một đồng xu, những gì người ta thấy ở Thích Minh Tuệ là sự giản dị, khiêm tốn, không so đo, tránh xa mọi cám dỗ. Trong khi đối với Thích Chân Quang, đó lại là những phát ngôn khó hiểu, ồn ào cùng lối sống xa hoa, thường xuyên xuất hiện với phụ kiện đắt tiền.
Đề cao tính tự lực, giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghiêm, thanh tịnh
Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ (Việt Nam) ngày 3/6, tu sĩ Thích Minh Tuệ đã kết thúc việc khất thực và chuyển về một ngôi chùa miền Trung (giấu tên) để tu tập kín theo nguyện vọng cá nhân. Quyết định của người tu sĩ không khỏi khiến công chúng tiếc nuối, song phần lớn vẫn gửi lời chúc và cảm thấy an ủi khi ông không phải chịu cảnh mệt mỏi, bị làm phiền vì quá nhiều người vây quanh.
Trái ngược với điều này, những gì cư dân mạng tranh luận gần đây về Thích Chân Quang gần là việc vị thượng tọa ngồi nơi trưng bày xe hơi, tay bấm điện thoại, chuẩn bị mua một chiếc Volkswagen (VW) Viloran với giá không dưới 2 tỷ đồng. Nếu thường xuyên theo dõi các video chia sẻ các bài giảng của trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), công chúng dễ dàng nhận ra ông thường xuyên xuất hiện với phụ kiện đắt tiền, điển hình là mẫu đồng hồ Rolex Cosmograph Daytona 126503, được sản xuất năm 2023, với giá hơn 700 triệu đồng.
Trong quan niệm của công chúng cũng như giáo huấn bởi Đức Phật, cốt lõi việc tu hành là giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghiêm, thanh tịnh. Đời sống sinh hoạt nơi mái chùa mặc dù còn nhiều khó khăn, song các ni sư, trụ trì cùng tăng ni, phật tử vẫn thường “tăng gia, sản xuất”, tự trồng hoa màu, cây ăn quả để cải thiện bữa ăn và trang trải kinh tế. Những câu chuyện bình dị như chùa đãi khách ẩm thực chay; sư thầy khâu vá áo cho bà con Phật tử; dạy học, dạy chữ cho trẻ em cơ nhỡ;... luôn được nhiều người truyền miệng, trở thành tấm gương khi nhắc về đời sống tu hành của giới Phật.
Thích Minh Tuệ được lòng công chúng hơn Thích Chân Quang bởi sự giản dị, cần kiệm và thanh tịnh đúng với bản chất của việc tu hành
Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu
Từ xưa đến nay, hình ảnh người tu hành thường gắn với dáng vẻ hiền lành, chất phác, gần gũi, lời nói chân thành, giản dị nhưng lúc nào cũng ẩn chứa những ý nghĩa giáo lý sâu xa, khó diễn tả hết bằng lời. Bởi họ hiểu rằng kiến thức về đạo, về đời là vô bờ bến và sự học để thấm nhuần các tư tưởng của Đức Phật là việc muôn đời.
Có lẽ vì hiểu rõ điều này mà kể cả khi được không ít người theo đoàn gọi là thánh nhân, bậc chân tu, tu sĩ Thích Minh Tuệ vẫn khiêm tốn xưng “con” và đáp lại bằng những câu nói rất đậm chất bình dị: “Con đi tới đây đang tập học, chưa có gì”; “Con đâu có nhận tiền, con chỉ nhận thức ăn chay vào buổi sớm đi khất thực thôi. Ngày hôm nay ăn rồi là cũng không nhận nữa”;…
Trong khi đó, với vị thế là trụ trì của một cơ sở tu hành Phật giáo lớn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thượng tọa Thích Chân Quang lại có hàng loạt phát ngôn gây tranh cãi về nghiệp và nhân quả. Một số dẫn chứng thậm chí có phần khó hiểu, vô lý, mê tín dị đoan, chưa từng được nhắc đến trong bất kỳ tài liệu phật pháp nào như: Hát karaoke nhiều khi chết làm ma câm; tuổi trẻ ham đi du lịch thì về già sẽ bị liệt một chỗ; nằm võng tiêu diệt hết công đức, trồng cà phê sẽ bị mất ngủ, người câu cá là ông tổ của việc lừa đảo,…
Mặc dù tu hành đề cao tính tự lực của từng cá nhân trong việc rời xa tạp niệm, buông bỏ tiền tài vật chất, thế nhưng Thích Chân Quang lại thường xuyên kêu gọi cúng dường, đề cao hình thức hơn sự tùy tâm, cho rằng càng dâng lễ vật có giá trị lên Tam bảo thì càng được phúc báu. Ngược lại, hành động bỏ tiền có mệnh giá thấp vào tượng Phật là hành động phỉ báng, xúc phạm sẽ gặp phải xui xẻo; xài tiền của bản thân là vô đạo đức; giữ tiền không xài khi chết đầu thai kiếp sau làm chó giữ nhà,…
Tóm lại, việc tu hành dù khổ (chịu đựng thiếu thốn, đói khát) hay sướng (rời xa thế lụy hồng trần, ngày ngày tụng kinh, gõ mõ) đều không thể xa rời bản chất cần kiệm, giản dị và thanh tịnh. Trong bối cảnh ngày càng nhiều ồn ào liên quan hàng loạt ngôi chùa như Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh), Phật Quang (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu),… bị công chúng chỉ trích, Thích Minh Tuệ xuất hiện như một điểm sáng hiếm hoi, khiến mọi người nhận ra cốt lõi cần có trong đời sống tu hành, cho rằng đó mới thật sự là bậc chân tu.
Ricky Tran
Bình luận