Trong khi truyền thông rầm rộ đưa tin về vụ nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành Telegram Pavel Durov bị bắt giữ ở Paris, chính quyền Pháp vẫn chưa có xác nhận chính thức. Ở chiều hướng ngược lại, Đại sứ quán Nga tại Pháp đã gặp luật sư đại diện và đề nghị cho ông Durov được tiếp cận lãnh sự.
Thông tin Đại sứ quán Nga tại Pháp (Посольство России во Франции) trên mạng xã hội (MXH) Telegram ngày 25/8 vừa qua (giờ châu Âu) cho biết, chính quyền Pháp vẫn đang tránh “tương tác” và chưa cung cấp thông tin liên quan đến vụ ông Pavel Durov (40 tuổi) bị bắt giữ ở Paris.
Thông báo của Đại sứ quán Nga tại Pháp về vụ CEO Telegram Pavel Durov bị bắt giữ (Nguồn: Посольство России во Франции)
Tỷ phú Pavel Durov là nhà sáng lập và sở hữu Telegram - ứng dụng nhắn tin có khoảng 800 triệu người dùng trên khắp thế giới, đặc biệt phổ biến ở Nga cũng như Ukraine. Theo ước tính của Forbes, ông Durov sở hữu khối tài sản trị giá không dưới 15,5 tỷ USD. Hiện, CEO Telegram cũng đang sở hữu cả quốc tịch Nga và Pháp.
Tuyên bố của cơ quan ngoại giao của Moscow được đưa ra trong bối cảnh, hàng loạt kênh truyền thông nhà nước Pháp lẫn quốc tế đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ tối ngày 27/8, khi ông Durov hạ cánh xuống sân bay Paris-Le Bourget trên một chiếc máy bay phản lực tư nhân. Mặc dù vậy, chính quyền Paris đến nay vẫn chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào.
Theo tiết lộ của truyền thông nhà nước Pháp (Đài BFM và TF1), vụ bắt giữ CEO Durov là một phần của cuộc điều tra sơ bộ về việc thiếu người kiểm duyệt trên nền tảng và thiếu sự hợp tác với cảnh sát, dẫn đến phát sinh tình trạng tội phạm, khủng bố qua Telegram.
Tiền thân của Telegram là nền tảng “VKontakte” (VK) được ông Durov thành lập vào năm 2006, với biệt danh là Facebook phiên bản Nga. Tuy nhiên, ông rời công ty vì tranh chấp quản lý với những chủ sở hữu có liên hệ với Điện Kremlin (chính quyền Moscow). Durov được cho đã từ chối hợp tác với chính quyền trong việc chặn trang VK của cố lãnh đạo đối lập người Nga Alexei Navalny.
CEO Telegram Pavel Durov (Nguồn: X “Pavel Durov”)
Sau khi rời doanh nghiệp, Durov thành lập Telegram vào năm 2013 và mô tả nó như một nền tảng trung lập và không bị kiểm duyệt, có thể tiếp cận với mọi người từ mọi tầng lớp, quan điểm. Vào năm 2014, ông nhập quốc tịch tại quần đảo Saint Kitts và Nevis thuộc vùng Caribe. Đến tháng 8/2021, ông được cấp quốc tịch Pháp, tờ NBC News (Hoa Kỳ) thông tin.
Quay lại tuyên bố mới đây của Đại sứ quán Nga tại Pháp, cơ quan này nói rằng đã liên hệ với luật sư đại diện của ông Durov, đồng thời yêu cầu chính quyền Pháp làm rõ lý do và đảm bảo quyền lợi tiếp cận lãnh sự cho CEO Telegram.
Cũng trong ngày 25/8, thông báo chính thức từ Telegram, MXH khẳng định tuân thủ luật pháp EU cũng như quá trình kiểm duyệt thông tin luôn tuân theo các tiêu chuẩn, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Act).
Telegram lập luận rằng, việc một nền tảng hoặc chủ sở hữu nó phải chịu trách nhiệm về việc quá nhiều người dùng sử dụng hoặc lạm dụng là điều bất hợp lý. Về Giám đốc điều hành Pavel Durov, MXH này khẳng định không có gì bất thường và ông cũng thường xuyên du lịch nhiều nơi ở châu Âu.
Đến ngày 26/8, trong một bài đăng trên trang Telegram cá nhân, phát ngôn viên thuộc Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế hỗ trợ gây sức ép buộc chính quyền Paris trả tự do cho ông Durov.
Tương tự, Phó chủ tịch quốc hội Nga Vladislav Davankov cũng có bài đăng trên Telegram thúc giục Pháp thả người, đồng thời cảnh báo vụ bắt giữ có thể mang động cơ chính trị. Trong khi đó, Ủy viên Nhân quyền Nga - bà Tatyana Moskalkova cho rằng, lý do thực sự đằng sau vụ Pháp bắt giữ ông Pavel Durov nhằm mục đích đóng cửa nền tảng không kiểm duyệt này.
Kane Nguyen
Bình luận