Vài năm trở lại đây, Yên Bái phát triển mạnh mẽ các làng nghề truyền thống gắn với quảng bá hình ảnh, con người, phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa trong lao động, sản xuất của các dân tộc trên địa bàn. Việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, làng nghề mới đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm thu nhập ổn định cho một bộ phận cư dân nông nghiệp, giảm nghèo bền vững.
Làng nghề trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Yên, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trấn Yên… Các làng nghề, nghề truyền thống chủ yếu sản xuất chế biến nông - lâm thổ sản, gắn với các hoạt động du lịch tạo thành chuỗi liên kết trong phát triển kinh tế - du lịch.
Các làng nghề, nghề truyền thống đã thu hút hàng ngàn hộ dân, cư dân nông nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động mang lại doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho trên 10.000 lao động.
Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến tỉnh ngày một tăng cao. Kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2022, Yên Bái đã đón trên 1,589 triệu lượt khách du lịch (vượt 44,4% kế hoạch năm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021); trong đó, khách quốc tế ước đạt 28.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 1.101 tỷ đồng. 9 tháng của năm 2023, Yên Bái đã đón và phục vụ trên 1,568 triệu lượt khách, tăng 20,1% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 83.736 lượt, doanh thu ước đạt trên 1.284 tỷ đồng, tăng 44,8% so với cùng kỳ.
Việc bảo tồn, phát triển các làng nghề đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy hết tiềm năng thế mạnh của địa phương cũng như thực hiện theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Yên Bái đề ra mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, môi trường…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh phát triển thêm 2 làng nghề truyền thống, duy trì và phát triển các làng nghề đã được công nhận; 75% số làng nghề gắn với phát triển du lịch; 60% số làng nghề hoạt động hiệu quả; 20% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu, 40% số làng nghề có sản phẩm đạt chuẩn OCOP…
Theo nguồn Thanh Phúc/Langngheviet.com.vn
Link nguồn: https://langngheviet.com.vn/yen-bai-bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-nong-thon-29208.html
Bình luận