Mark Zuckerberg, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Meta Platforms, Inc - Tập đoàn công nghệ đa quốc gia sở hữu Facebook, Threads, Instagram, WhatsApp cho biết, nhóm ông từng bị chính quyền của Tổng thống Joe Biden và FBI gây sức ép kiểm duyệt nội dung liên quan đến đại dịch COVID-19.
Theo thông tin đăng tải trên trang “X” của Hạ viện Tư pháp GOP (House Judiciary GOP) của đảng Cộng Hòa ngày 27/8, cơ quan này cho biết vừa nhận được lá thư từ Chủ tịch Meta Platforms, Inc (Meta) - ông Mark Zuckerberg.
Trong thư gửi Ủy ban Tư pháp Hạ viện (House Judiciary committee), ông Zuckerberg nói rằng, vào năm 2021 - thời điểm diễn ra đại dịch toàn cầu, Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden nhiều lần gây sức ép yêu cầu Meta kiểm duyệt một số nội dung.
Thư của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg gửi đến Ủy ban Tư pháp Hạ viện (Nguồn: X “House Judiciary GOP”)
Cụ thể, theo thông tin vừa được Zuckerberg công bố, Nhà Trắng muốn Meta kiểm soát những nội dung liên quan đến dịch bệnh COVID-19, bao gồm cả hài hước và châm biếm. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự thất vọng khi đơn vị này không đồng ý tuân thủ.
Zuckerberg cho rằng, việc thỏa hiệp tiêu chuẩn nội dung do áp lực từ chính phủ là sai và ông cảm thấy hối tiếc khi không thể lên tiếng nhiều hơn. Nhà sáng lập Meta nói sẵn sàng phản kháng nếu trường hợp tương tự xảy ra.
Bên cạnh đó, ông Zuckerberg cũng nhắc đến Cục điều tra liên bang (Federal Bureau of Investigation, viết tắt: FBI) trong thư gửi đến Ủy ban. Giám đốc điều hành Meta nói rằng, trước thềm cuộc bầu cử năm 2020, FBI đã cảnh báo về hoạt động thông tin sai lệch của Nga về gia đình ông Biden và Burisma (doanh nghiệp của Robert Hunter Biden - con trai Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm) trên những nền tảng thuộc sở hữu Meta.
Cảnh báo của FBI diễn ra vào thời điểm tờ New York Post đưa tin về các cáo buộc tham nhũng liên quan đến gia đình ứng cử viên Tổng thống đảng Dân khi đó - ông Joe Biden. Zuckerberg thừa nhận là bên gửi bài báo đó cho các đơn vị kiểm tra thực tế để xem xét, nhưng đã tạm thời “hạ cấp” (demoted) dữ liệu thực tế ghi nhận.
Zuckerberg cũng hối hận khi đã làm điều này và tiếp tục thừa nhận không có chuyện Nga gây ra thông tin sai lệch. Kể từ sau vụ việc đó, Meta đã phải thay đổi các chính sách và quy trình để đảm bảo điều này không xảy ra lần nào nữa. Tập đoàn này cam kết sẽ không diễn ra tình trạng hạ cấp nội dung trong khi chờ đợi các bên kiểm tra thực tế.
Ông Mark Zuckerberg nói rằng, không có chuyện Nga gây thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử 2020 và thừa nhận đã làm giảm mức độ nghiêm trọng của báo cáo tham nhũng (Nguồn: Facebook “Mark Zuckerberg”)
Mặc dù hành động cáo buộc Chính phủ và FBI diễn ra trong bối cảnh tương đối nhạy cảm: Đếm ngược 03 tháng trước bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, Zuckerberg vẫn khẳng định, nội dung trên không nhằm mục đích mang lại lợi ích cho bên nào. Ông nói rằng lập trường của Meta là trung lập.
Trả lời lá thư của Zuckerberg, truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu của người phát ngôn đại diện Nhà Trắng cho biết, thời điểm đó, Hoa Kỳ khuyến khích “những hành động có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của công chúng” (esponsible actions to protect public health and safety).
Nhà Trắng nói rằng, lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden là các công ty công nghệ và doanh nghiệp hoạt động tư nhân nên tính đến tác động của hành động đối với người dân, đồng thời đưa ra những lựa chọn độc lập về thông tin trình bày.
Kane Nguyen
Bình luận