Đó là nhận định từ các chuyên gia liên quan đến động thái sắp tới Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ. Mặc dù các tín hiệu đều cho thấy nhiều khả năng sẽ diễn ra một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9, thị trường cổ phiếu vẫn khó vượt qua giai đoạn đầy thách thức.
Báo cáo “Khi nào lạm phát dịch vụ nhà ở sẽ giảm xuống?” (When Is Shelter Services Inflation Coming Down?) do Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Bank) chi nhánh San Francisco của Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Board, viết tắt: Fed) công bố ngày 3/9 cho biết, lạm phát giá nhà trên khắp tiểu bang đang ở mức cao.
Theo các chuyên gia của Fed, thời gian qua, lạm phát giá nhà mặc dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch, đồng thời tiếp tục chiếm một tỷ trọng lớn trong tiến trình đánh giá lạm phát chung.
Vào tháng 7/2024, lạm phát giá nhà ghi nhận tăng 5% so với năm 2023, trong khi lạm phát tiêu dùng là 2,9%. Tuy nhiên, chuyên gia lạc quan rằng, tình trạng trên có thể thay đổi trong năm 2025 khi khoảng cách giữa cung - cầu nhà ở trên khắp tiểu bang được thu hẹp.
Nghiên cứu của các chuyên gia Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh San Francisco (Nguồn: Federal Reserve Bank of San Francisco)
Chi phí nhà ở là một trong những khoản chi lớn nhất đối với hầu hết các hộ gia đình, đồng thời là thành phần quan trọng của lạm phát. Do đó, việc giảm giá dịch vụ thuê nhà có thể thúc đẩy quá trình hạ nhiệt lạm phát hiện nay tại Hoa Kỳ.
Những năm qua, Fed vẫn đang giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao (5,25 - 5,50%). Mặc dù động thái này nhìn chung khiến chi phí vay cao hơn, giúp đẩy lùi lạm phát, song cũng làm giá nhà duy trì mức cao, kéo theo tình trạng giảm nhu cầu về nhà ở. Khi nhu cầu trên giảm, xu hướng xây dựng thêm nơi cư trú (nguồn cung) cũng không được các nhà đầu tư mặn mà. Hậu quả của việc này là các bất động sản sẵn có trở nên khan hiếm với lượng người thuê lớn, buộc các chủ sở hữu phải tăng giá.
Trái ngược với tín hiệu tích cực từ thị trường nhà ở, việc Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 lại thu về nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính.
Một báo cáo do JPMorgan Chase (JPMorgan) - hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York công bố ngày 2/9 cho biết, đà tăng trưởng của cổ phiếu vẫn không được đảm bảo bất kể Fed có cắt giảm lãi suất hay không. Các chuyên gia nhận định, nếu ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cắt giảm lãi suất chỉ nhằm phản ứng với tình trạng tăng trưởng chững lại của nền kinh tế, tác động tích cực có thể sẽ không mấy đáng kể.
Trang tổng hợp tin tức và ứng dụng dành cho thiết bị di động Microsoft Start cho biết, không giống JPMorgan, một nhà phân tích đến từ Ngân hàng Wells Fargo (Wells Fargo) gần đây đã cho rằng, cổ phiếu sẽ có đợt tăng giá “chưa từng thấy” trong 30 năm qua nếu Fed nới lỏng chính sách.
Trong khi đó, theo ông Paul Christopher - Trưởng phòng Chiến lược thị trường toàn cầu cũng thuộc Wells Fargo, thị trường hiện nay có nhiều điểm tương đồng với thị trường năm 1995. Với việc Fed chủ động cắt giảm lãi suất trong bối cảnh GDP ổn định, đại diện Wells Fargo tin rằng, khả năng cổ phiếu có một đợt tăng giá là hoàn toàn khả thi.
Các chuyên gia vẫn đang chia rẽ khi trình bày quan điểm về tác động của việc cắt giảm lãi suất đối với thị trường chứng khoán (Nguồn: pexels)
Kane Nguyen
Bình luận