Khám phá nét độc đáo của ẩm thực Tết truyền thống Việt Nam
  • Home/
  • Ẩm thực/
  • Khám phá nét độc đáo của ẩm thực Tết truyền thống Việt Nam
Ẩm thực

Khám phá nét độc đáo của ẩm thực Tết truyền thống Việt Nam

Không chỉ mang đến không khí sum vầy ấm áp, Tết Nguyên đán - dịp lễ lớn nhất trong năm của cộng đồng người Việt còn là thời điểm nhiều món ăn ngon, đa dạng bản sắc được chuẩn bị và thưởng thức. Trên dải đất hình chữ S, mỗi vùng miền lại góp thêm một hương vị riêng, làm nên bức tranh Tết phong phú và giàu bản sắc dân tộc.

Đối với người Kinh, mâm cỗ Tết là biểu tượng của sự đoàn viên, gửi gắm lòng biết ơn tổ tiên. Nổi bật nhất là bánh chưng xanh vuông vức, hòa quyện giữa hương thơm của nếp, vị béo của thịt lợn và chút bùi bùi từ đậu xanh. Cùng với đó là dưa hành chua cay dịu nhẹ, thịt đông ngọt thanh từ thịt, sự béo ngậy từ mỡ và chút thơm thoang thoảng từ các loại gia vị như hành khô, tiêu, nấm hương, mộc nhĩ, nem rán vàng giòn và đĩa gà luộc lá chanh càng làm tăng thêm hương vị.

Khám phá nét độc đáo của ẩm thực Tết truyền thống Việt Nam

Mâm cúng Tết của người Kinh (Nguồn: Facebook)

Ở cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang, Việt Nam), Tết của đồng bào HMông lại mang sắc màu giản dị mà thiêng liêng. Mâm cúng tất niên không thể thiếu bánh giầy dẻo thơm, chai rượu ngô nồng đượm và chú gà trống sống sau khi cắt tiết được đặt trang trọng. Sau lễ cúng, những món ăn như thịt gà luộc, thịt lợn được chế biến để dâng lên thần linh. Đối với khu vực Tây Nguyên, các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê-đê không đón Tết Nguyên Đán mà đón Tết của cộng đồng dân tộc mình, với những giai điệu cồng chiêng rộn rã, mâm cỗ hấp dẫn với nhiều món ăn ngon như: Cơm lam, thịt nướng, rượu cần,... Đây đều là những nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu, tượng trưng cho sự gắn kết giữa con người với thần linh và thiên nhiên. Một số món đặc biệt như tiết canh, nem sống hay phèo nướng cũng xuất hiện, mang đậm dấu ấn núi rừng.

Khám phá nét độc đáo của ẩm thực Tết truyền thống Việt Nam

Người đồng bào Bana trong lễ cốm mới (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)

Khác với người Tây Nguyên, người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (phía Nam Việt Nam) đón Tết Chôl Chnăm Thmây vào tháng 4 dương lịch, bằng những món ăn đậm vị. Bên cạnh các món cá, món thịt, mắm pro-hốc (bò hóc) cũng là linh hồn của bữa cơm ngày Tết, được nêm vào canh Xiêm lo (được chế biến từ rau tập tàng cùng thịt cá Kèo, cá Lóc) tạo nên hương vị khó quên. Đặc sản bánh thốt nốt dẻo thơm từ trái thốt nốt chính là món tráng miệng thương hiệu của cộng đồng người Khmer làm say lòng bao thực khách cơ cơ hội ném thử.

Mỗi món ăn ngày Tết đều chứa đựng một câu chuyện, phong tục đẹp mà ông cha để lại. Tùy theo khí hậu, điều kiện và tập quán, từng vùng miền đã sáng tạo nên những món ăn mang đậm dấu ấn riêng. Từ hương vị nồng nàn của rượu cần Tây Nguyên đến cái giòn tan của nem rán đất Bắc, tất cả đều hòa quyện để tạo nên bức tranh Tết Việt muôn màu, muôn vẻ. Tết đến xuân về cùng ngồi lại bên mâm cơm gia đình để cảm nhận trọn vẹn hương vị ẩm thực, qua đó thấy được Tết Việt mãi là di sản văn hóa đầy tự hào.

Tư Việt

Bình luận