Hậu COVID-19 và căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã thúc đẩy quá trình dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Bắc Kinh sang các nước lân cận. Trong đó, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi từ việc sắp xếp lại thị trường xuất khẩu toàn cầu.
Theo trang chủ của Cổng thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), vào ngày 6/9, chính quyền TP đã phối hợp cùng Ngân hàng UOB (Singapore) tổ chức Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” (Cửa ngõ vào ASEAN) năm 2024. Đây là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện, sau Singapore và Indonesia.
Với chủ đề “ASEAN: Giao điểm hội nhập kinh tế thế giới”, chương trình thu hút khoảng 600 đại biểu là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác thương mại từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hong Kong cùng đại diện các cơ quan, ban ngành của Việt Nam tham gia.
Nhận định về vị trí và vai trò của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế ASEAN đánh giá, sau căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như ảnh hưởng từ đại dịch, thị trường đang có sự thay đổi đáng kể để hướng đến khả năng phục hồi, đa dạng hóa và đảm bảo an ninh của chuỗi cung ứng.
Toàn cảnh Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” năm 2024 (Nguồn: Cổng thông tin TP. HCM)
Hệ quả của việc này là quá trình chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Bắc Kinh sang các nước lân cận. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thuộc ASEAN được hưởng lợi từ sự sắp xếp lại thị trường xuất khẩu toàn cầu.
Báo cáo tại chương trình, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB - ông Suan Teck Kin cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hàng nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quôc sang Hoa Kỳ đã giảm so với nhiều năm trước, với tỷ lệ ghi nhận chỉ 13% so với 21% (2016). Trong khi đó, hàng hóa từ các quốc gia châu Á vào thị trường Washington, D.C tăng trưởng đáng kể, từ 7% lên đến 11%. Tỷ lệ này với Việt Nam thậm chí gấp đôi, tăng từ 1,9% (2016) lên đến 4% (8/2024).
Đại diện UOB nhấn mạnh, ASEAN và Việt Nam ngày càng trở thành đối tác thương mại quan trọng với Hoa Kỳ. Cũng theo Ngân hàng phía Singapore, trong năm 2024, Việt Nam có khả năng vươn lên thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong 3 - 5 năm tới. UBO dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6% cho năm 2024, phục hồi từ mức 5% trong năm 2023.
Phó chủ tịch của Tập đoàn Li & Fung Group (Hồng Kông) - ông William Fung Kwok Lun cho biết, mặc dù ASEAN là lựa chọn tối ưu khi các nhà sản xuất muốn rời khỏi Bắc Kinh và xây dựng lại chuỗi cung ứng, nhưng không phải nước nào thuộc khối cũng đều là điểm đến tiềm năng.
Theo đại diện doanh nghiệp từ Hồng Kông, hiện nay, điều mà các nhà đầu tư quan tâm là môi trường phát triển bền vững cũng như chính sách pháp luật - các yếu tố có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi (Nguồn: Cổng thông tin TP. HCM)
Về vấn đề này, người đứng đầu UBND TP.HCM - ông Phan Văn Mãi cho biết, địa phương được thừa hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù là điều kiện thuận lợi để có thể thu hút các nhà đầu tư.
Các lĩnh vực đang được hướng đến bao gồm: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghệ mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch, điện tử, điện tử linh hoạt, chip, pin công nghệ mới,…
Bên cạnh đó, TP.HCM đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là kết nối liên vùng, khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương.
Eltin Tran
Bình luận