Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có nhiều dự án hỗ trợ y tế, giáo dục, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia. Việc chính quyền ông Donald Trump ngừng hoạt động cơ quan này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến những nước phụ thuộc vào viện trợ quốc tế để phát triển và ứng phó khủng hoảng.
Chuyên gia lên tiếng quan ngại
Nhận định từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development, viết tắt: CGD), chưa rõ lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ sẽ kéo dài bao lâu, khi nào có thể tiếp tục, nhưng chuyên gia dự đoán việc tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (U.S Agency for International Development, viết tắt: USAID) bị tạm dừng trong năm sẽ là “cú sốc” đối với nhiều nền kinh tế. Trong số 26 quốc gia nghèo nhất thế giới, CGD xác định có 08 nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm: Nam Sudan, Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Liberia, Afghanistan, Sudan, Uganda và Ethiopia. Đây là những nước phụ thuộc hơn một phần năm (1/5) viện trợ dân sự của Hoa Kỳ. Đặc biệt tại Liberia, y tế cơ bản là lĩnh vực chính trong mọi hoạt động của nhân viên USAID, đồng thời được phân loại là “ứng phó khẩn cấp”. Điều này cho thấy viện trợ từ Washington, D.C đang được sử dụng để giải quyết các nhu cầu cấp thiết ở quốc gia này. Trong khi đối với Uganda, trọng tâm của USAID là sức khỏe dân số và sức khỏe sinh sản.
Cũng theo CGD, việc đóng băng hoạt động của viện trợ dân sự Hoa Kỳ cho các nước có nguy cơ tạo ra khoản thâm hụt tương đương với hơn 3 % thu nhập quốc dân (Gross national income, viết tắt: GNI). Để thấy con số này nghiêm trọng đến mức nào, chuyên gia giải thích rằng, nhiều quốc gia thu nhập thấp ghi nhận chỉ đạt mức tăng trưởng 3% vào năm 2023 và ước tính tăng trưởng 3,6% vào năm 2024.
Không chỉ nhóm quốc gia nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng, truyền thông Vương quốc Anh (BBC) dẫn lời Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, viết tắt: WHO) cảnh báo, lệnh đóng băng USAID còn tác động đến 50 quốc gia trên thế giới - những nước hưởng lợi từ “Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống về cứu trợ AIDS” (President's Emergency Plan for AIDS Relief, viết tắt: PEPFAR). Ngoài chương trình điều trị HIV, Tổng giám đốc WHO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus quan ngại, các hoạt động viện trợ khác như điều trị bại liệt, sốt xuất huyết và cúm gia cầm cũng đang bị gián đoạn.
Chuyên gia quan ngại, 08 nền kinh tế có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ bị đóng băng (Nguồn: U.S. Embassy in Uzbekistan)
Các nước nói gì?
Mặc dù USAID hỗ trợ cho hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, nhưng theo Đài Phát thanh Công cộng quốc gia (National Public Radio, viết tắt: NPR), kể từ cuộc xung đột trực tiếp với Nga vào tháng 2/2022, Ukraine đã trở thành nước nhận được nhiều viện trợ tài chính nhất, với khoảng 37 tỷ USD trong 03 năm qua. Thành viên thuộc Quốc hội Ukraine - ông Oleksandr Merezhko nói rằng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ mang đến nhiều chương trình hữu ích, bao gồm hỗ trợ cựu chiến binh, các chương trình liên quan đến chăm sóc ở nước này. Động thái đóng băng mọi hoạt động USAID ảnh hưởng đến nhiều chương trình y tế ở Kiev, đặc biệt về điều trị bệnh lao và HIV.
Trong khi đó, tổ chức Reporters Without Borders cũng nói rằng, 9 trong số 10 cơ quan truyền thông ở Ukraine đang hoạt động dựa vào trợ cấp và tài trợ chính từ USAID. Nhiều nhà lập pháp tại quốc gia này, bao gồm Thành viên thuộc Quốc hội Ukraine Oleksandr Merezhko hy vọng chính quyền ông Donald Trump sẽ khôi phục USAID sau khi xem xét hoặc cải tổ cơ quan.
Tương tự, Nam Phi cũng quốc gia có số trường hợp nhiễm HIV cao nhất thế giới, đã đạt được tiến bộ lớn trong công tác phòng ngừa và điều trị nhờ hỗ trợ của USAID qua PEPFAR. Tuy nhiên, việc cắt giảm tài trợ từ USAID đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là tại các phòng khám và đối với những người dễ bị tổn thương, theo NPR. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân viên y tế do cắt giảm tài trợ được dự đoán có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ phòng ngừa HIV ở cả quốc gia nghèo hơn như Mozambique và Malawi.
Ghi nhận USAID cũng như thực hiện nhiều dự án quan trọng tại khu vực Nam Á, bao gồm hỗ trợ đào tạo các nhà báo nữ và giáo dục cho bé gái ở Afghanistan, song các dự án này hiện bị đình chỉ do lệnh đóng băng từ lãnh đạo Nhà Trắng. Ở Bangladesh, viện trợ dân sự của Washington, D.C tài trợ các chương trình từ vaccine đến an ninh lương thực. Quỹ cũng giúp sàng lọc, hỗ trợ điều trị bệnh lao, cung cấp máy chụp X-quang cho các bệnh viện.
Tại Việt Nam, ngày 13/2 vừa qua, người phát ngôn đại diện Bộ Ngoại giao nước này đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc phản đối quyết định ngừng hỗ trợ các dự án của USAID, đặc biệt là chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh. Chính quyền Hà Nội đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả với Hoa Kỳ trong lĩnh vực như: Y tế (cải thiện các dịch vụ, hạ tầng y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS); giáo dục (phát triển nguồn nhân lực); môi trường (giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu). Đồng thời, mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ bền chặt, ổn định, an toàn và bảo vệ môi trường tại các khu vực dự án.
Trái ngược những trường hợp nêu trên, một số nước khu vực Mỹ Latinh như Mexico, El Salvador và Colombia lại hoanh nghênh quyết định của ông Trump. Nguyên nhân vì những quốc gia này quan ngại, USAID có thể can thiệp vào công việc nội bộ đất nước, tài trợ cho các tổ chức báo chí và nhân quyền phê phán chính phủ cũng như hỗ trợ phe lập pháp. Nhiều chuyên gia cho rằng USAID tạo ra sự phụ thuộc không lành mạnh và cần cải tiến, nhưng việc ngừng các chương trình hỗ trợ sẽ gây tổn hại cho những người phụ thuộc vào đó để sinh tồn, NPR thông tin.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới (Nguồn: U.S. Embassy in Uzbekistan)
Kelvin Huynh
Bình luận